TCBS muốn dùng 7,000 tỷ đồng đầu tư hoạt động tự doanh
HĐQT CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vừa thông qua phương án chi tiết sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2023.
Trước đó, ngày 19/12/2022, cổ đông Techcombank đã nhất trí thông qua kế hoạch mua 105 triệu cp được TCBS chào bán riêng lẻ với giá dự kiến 95,600 đồng/cp.
TCBS cho biết tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán gần 10,242 tỷ đồng. Công ty dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng vào công nghệ Wealthtech và khoa học dữ liệu; gần 2,742 tỷ đồng cho hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán… Đáng chú ý, hơn 68% tổng số tiền thu được, tương ứng 7,000 tỷ đồng, sẽ được TCBS đầu tư cho hoạt động tự doanh chứng khoán (bao gồm nhưng không giới hạn việc đầu tư các mảng kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu…) nhằm duy trì mức lợi suất cao tại Công ty, đặc biệt trong giai đoạn hiện tại khi thị trường đang được định giá hấp dẫn.
Theo BCTC riêng quý 1/2023, tính đến ngày 31/03/2023, quy mô tài sản của TCBS ở mức 25,115 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) ở mức 8,683 tỷ đồng, giảm 17.4%; trong đó, giá trị lớn nhất là các trái phiếu chưa niêm yết 6,559.5 tỷ đồng (giảm 3.3%) của các tổ chức như CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Gòn, CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast, CTCP Đầu tư Golden Hill và các trái phiếu chưa niêm yết khác.
Nguồn: TCBS
|
Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 12/2022 đến nay, TCBS đã có tổng cộng 11 lần mua lại trước hạn trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 1,753 tỷ đồng.
Lần gần nhất, từ ngày 17-19/04/2023, TCBS đã mua lại 80.4 tỷ đồng trong số 112.4 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã TCSCH2124012, hạ số lượng trái phiếu đang lưu hành xuống còn gần 32 tỷ đồng. Đây là lần thứ 6, TCBS tiến hành mua lại trước hạn trái phiếu trong năm 2023.
Mã TCSCH2124012 có thời hạn 3 năm, được phát hành ngày 15/10/2021, với tổng giá trị theo mệnh giá 500 tỷ đồng (mỗi trái phiếu có mệnh giá 100,000 đồng). Lô trái phiếu không áp dụng phương thức thực hiện quyền và không có tài sản đảm bảo.
Lô trái phiếu này được phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của TCBS, bao gồm đầu tư trái phiếu chính phủ/trái phiếu của các ngân hàng được Chính phủ bảo lãnh; đầu tư các sản phẩm tài chính khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi; mở rộng thị phần môi giới và hoạt động cho vay khách hàng trong giao dịch mua ký quỹ chứng khoán; bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh khác…
Trở lại với kết quả kinh doanh quý 1/2023, doanh thu hoạt động của TCBS giảm mạnh xuống còn 931 tỷ đồng, tương đương giảm 45% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu môi giới chứng khoán và doanh thu bảo hành phát hành giảm lần lượt 72% và 63% xuống còn 83 tỷ đồng và gần 228 tỷ đồng. Tương tự, lãi từ cho vay và phải thu cũng giảm mạnh, đạt 274 tỷ đồng.
Sau khấu trừ các chi phí, TCBS báo lãi trước và sau thuế quý 1 lần lượt hơn 481 tỷ đồng và 333.5 tỷ đồng, giảm 62% và 65% so với cùng kỳ.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 17/03, cổ đông TCBS đã thông qua kế hoạch doanh thu hoạt động 4,654 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2,000 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hoạt động giảm 10%, trong khi lợi nhuận giảm 35%.
Với kết quả đạt được, sau quý đầu năm 2023, TCBS thực hiện được 20% chỉ tiêu doanh thu và 22% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thế Mạnh