Ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhấn mạnh trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường học tập và làm việc, người làm chủ được AI sẽ là những lãnh đạo tương lai.
Chia sẻ tại chương trình FPT Leader Talk – Journey To Your Future với chủ đề “Biến tiềm năng thành tài năng” ngày 30/10, ông Tiến cho biết phần lớn giới trẻ vẫn chưa khám phá được tiềm năng vì họ dễ dàng thỏa hiệp với thất bại và bỏ cuộc sau vấp ngã.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến gần 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành người bình thường trong thời đại AI. Chỉ 10% còn lại có thể kiến tạo năng lực và trở nên khác biệt nhờ kiên trì, nỗ lực, sáng tạo và ý chí học tập suốt đời.
Chuyện gì xảy ra với những người bình thường? Theo ông Tiến, họ sẽ chịu một áp lực rất lớn. Thế hệ trước có thể “cần cù bù thông minh”, tức khi không thông minh, không có trình độ chuyên môn vượt trội thì có thể bù đắp bằng sự cố gắng chăm chỉ, chuyên cần. Nhưng ngày nay, AI và robot thế hệ mới có thể thay thế dễ dàng những việc như vậy.
Báo cáo Tương lai việc làm (The Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán thị trường lao động sẽ mất 23% việc làm trong 5 năm tới. Các nhà tuyển dụng dự báo 69 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, song song với đó là 83 triệu việc làm sẽ biến mất trong 5 năm tới.
Về thay đổi trong cơ cấu việc làm, ông Hoàng Nam Tiến nhớ thuở tốt nghiệp ĐH Bách Khoa năm 1993, cả nước có chưa đến 1.000 người biết lập trình. Nay tính riêng FPT, con số này đã lên tới gần 30.000.
“Nghề ngày xưa chưa phổ biến thì giờ phổ biến. Tôi cũng rất lo lắng không biết 10 năm nữa nghề coding và testing còn tồn tại hay không. Giờ các bạn làm kiểm thử đã nhận thấy rõ áp lực rồi”, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT nói.
Ông Tiến nhắn nhủ mỗi sinh viên cần thay đổi cách học, chuyển từ nghe giảng thụ động sang chủ động tự học từ thầy cô, đồng đội, bạn bè và đặc biệt là AI. Theo ông, AI mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để giới trẻ phát triển, nhưng quan trọng nhất vẫn là cách ứng dụng AI đúng đắn và hiệu quả.
Ông Hoàng Nam Tiến nhìn nhận AI không lấy đi cơ hội việc làm của người trẻ, mà chính những người biết sử dụng AI sẽ làm điều đó. Vì vậy, thế hệ làm chủ AI sẽ được trọng dụng, trở thành lãnh đạo tương lai trong kỷ nguyên công nghệ.
Trong phần hỏi đáp, ông Nguyễn Thế An – Kỹ sư nghiên cứu AI thuộc FPT Software AI Center, Thủ khoa đầu ra Đại học Bách Khoa Hà Nội với GPA 4.0/4.0 nhắn nhủ tới hơn 1.000 sinh viên Bách Khoa tham dự: “Các bạn sinh viên nên cân bằng giữa việc học và việc làm phù hợp với năng lực của bản thân. Ngay từ năm 3, các bạn nên chọn tham gia lab nghiên cứu hoặc thực tập tại doanh nghiệp đầu ngành để khám phá điểm mạnh, điểm yếu và sự phù hợp, giúp định hướng đúng nghề nghiệp sau này”.