Ngày 29-5, nhiều người vay mua nhà cho biết đang trông chờ ngân hàng (NH) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay sau nhiều tháng “gồng gánh” lãi suất tới 13%-15%/năm. Trong khi đó, Phó Thống đốc NH Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà khẳng định sẽ tiếp tục có giải pháp khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Vẫn gánh lãi tới 14,55%/năm
Trước thông tin NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn và các NH thương mại đồng loạt hạ lãi suất huy động và cho vay, chị Linh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) liên hệ NH nơi mình vay mua nhà mới biết khoản vay của chị vẫn đang chịu lãi suất 14,55%/năm, chưa được điều chỉnh giảm kể từ tháng 3-2023 đến nay.
Với khoản dư nợ gần 700 triệu đồng, mỗi tháng chị dành gần toàn bộ tiền lương để trả gốc và lãi cho NH, ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu của gia đình. “Hồi đầu, khoản vay mua nhà của tôi được lãi suất ưu đãi chỉ khoảng 7,5%-8%/năm nên khá dễ thở. Giờ tính ra lãi suất vay đã tăng gấp đôi nên gia đình tôi bị áp lực rất lớn. Chỉ mong NH sớm giảm lãi suất cho các khoản vay cũ để cả nhà tôi bớt gánh nặng” – chị Hân nói.
Tương tự, anh Nguyễn Bá (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết anh đang có khoản vay mua nhà tại một NH thương mại nhà nước với mức lãi suất 13%/năm. Với dư nợ tín dụng còn hơn 1,6 tỉ đồng, mỗi tháng chỉ riêng tiền lãi, anh Bá phải trả hơn 11 triệu đồng.
“Thấy các NH công bố giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay nhưng khoản vay mua nhà của tôi thì chưa thấy giảm. Nếu lãi suất về khoảng 10%-11%/năm như năm ngoái sẽ bớt áp lực hơn rất nhiều” – anh Bá nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến chiều 29-5, nhiều khách hàng cá nhân vay mua nhà vẫn chưa nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất với khoản vay cũ. Trong khi đó, các NH thương mại vẫn đua nhau tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp cho khách hàng vay mua nhà, mua xe với lãi suất chỉ từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu hoặc các mức lãi suất khác nhau quanh 10%/năm cho khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, nhu cầu vay mới lại rất thấp trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế vẫn khó khăn.
Tổng giám đốc một NH thương mại nhà nước phân tích hiện nhu cầu vay vốn mua nhà của khách hàng cá nhân rất thấp, NH tung gói tín dụng ưu đãi cho các khoản vay mua nhà mới nhưng tiến độ giải ngân khá chậm. Trong khi đó, với các khoản vay cũ, khách hàng được giải ngân vào thời điểm mặt bằng lãi suất cho vay cao nên cần độ trễ nhất định.
TS Nguyễn Quốc Anh, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, phân tích việc điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ tùy thuộc vào quy định trong hợp đồng tín dụng của khách hàng và NH, thường là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm sẽ có đợt điều chỉnh. Ở thời điểm hiện tại, dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nhóm NH thương mại nhà nước là có, trong khi với nhóm NH thương mại cổ phần sẽ khó hơn bởi chi phí huy động vốn của nhóm này khá cao.
“Muốn giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ, trong đó bao gồm cả lãi suất vay mua nhà, các NH thương mại phải “tiêu hóa” hết những khoản huy động lãi suất cao trên 10% từ cuối năm 2022 đến nay. Do đó, cần độ trễ để hấp thụ hết dòng vốn đầu vào được huy động lãi suất cao này. Để chính sách giảm lãi suất được lan tỏa đúng đối tượng, có thể có chính sách phân tách là hỗ trợ giảm lãi vay đối với những khách hàng vay mua căn hộ, vay mua căn nhà đầu tiên” – TS Nguyễn Quốc Anh nói.
Tương tự, chuyên gia tài chính, PGS-TS Nguyễn Văn Trình cũng cho rằng muốn giảm lãi suất cho vay phải chờ hệ thống NH hấp thụ hết số tiền gửi lúc mặt bằng lãi suất đầu vào cao. Muốn vậy, cần vài tháng nữa để mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhanh hơn. Rất khó để yêu cầu các NH giảm nhanh lãi suất ở thời điểm hiện tại vì cơ chế thị trường.
Tại cuộc họp của NHNN với các NH thương mại cuối tuần trước, nhiều NH thương mại cam kết sẽ giảm 0,3 – 0,5 điểm % lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ ngày 29-5. Dù vậy, nhiều khách hàng cho rằng mức giảm tối đa 0,5 điểm % là chưa nhiều so với đà tăng mạnh trước đó.
Khuyến khích ngân hàng giảm lãi vay
Theo thống kê của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các NH thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm, giảm 0,37 điểm % so với cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay bình quân bằng VNĐ phát sinh mới của các NH thương mại vào khoảng 9,07%/năm, giảm 0,9 điểm % so với cuối năm ngoái. Dù vậy, khách hàng cá nhân vay mua nhà vẫn đang ngóng giảm thêm lãi suất vì với mức lãi suất cho vay phổ biến 12%-14%/năm hiện nay trong bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn tạo áp lực tài chính lớn cho người vay.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH TMCP Tiên Phong (TPBank), nhìn nhận lãi suất huy động từ tổ chức tín dụng và NH thương mại thời gian qua đang ở mức cao. Với động thái giảm lãi suất điều hành lần 3 của NHNN này, lãi suất sẽ giảm và chi phí vốn cũng hạ trong thời gian tới.
“Các NH thương mại đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất nhưng lớn nhất trong cấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn, các NH mới có cơ hội giảm đáng kể lãi suất cho vay. Khách hàng dễ tiếp cận vốn khi lãi suất vay thấp hơn” – ông Nguyễn Hưng nói.
Đánh giá về việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành gần đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết cơ quan điều hành đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Hiện các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất – kinh doanh.
“Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay” – Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.
Lãi suất giảm tùy từng ngân hàng
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH nước ngoài tại Việt Nam nhận định xu hướng giảm lãi suất cho vay mua nhà, vay tiêu dùng thời gian tới sẽ tiếp tục nhưng có sự khác nhau giữa các NH. Cụ thể, mức giảm tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nơi, đặc biệt không chỉ vào cấu trúc giá vốn huy động mà còn vào năng lực điều hành trong việc tiết giảm các chi phí khác của từng NH, thậm chí có thể phải giảm cả mức lợi nhuận mục tiêu đã đề ra cho cả năm. “Dự kiến từ nay đến cuối năm, khi các NH có thể chuyển hóa hết những khoản tiền gửi huy động giá cao trước đây sang các khoản có lãi suất huy động thấp hơn, lãi suất cho vay nói chung và vay mua nhà sẽ hạ nhanh hơn” – giám đốc NH nước ngoài tại Việt Nam này nói.