Số hóa vốn là thế mạnh của TPBank, nhưng hình ảnh nổi bật đó dường như đang “lu mờ” khi hàng loạt ngân hàng khác đầu tư mạnh mẽ với số tiền thậm chí lớn hơn nhiều TPBank chi cho công nghệ. Ông dự báo thế nào về xu hướng digital (số hóa) của ngành nói chung và cách để duy trì lợi thế cạnh tranh công nghệ tại TPBank nói riêng?
Với TPBank, lựa chọn chiến lược đổi mới số sớm và phát triển nhanh ngân hàng số giúp chúng tôi có được hệ sinh thái số toàn diện bậc nhất tại Việt Nam. Việc làm trước, làm sớm những việc chưa ai làm và đạt được những thành tựu nhất định đã tạo động lực để các ngân hàng khác tham gia vào cuộc đua chuyển đổi số. Khi các ngân hàng cùng đầu tư mạnh mẽ cho đổi mới số, triển khai đồng bộ và quyết liệt sẽ góp phần chuyển đổi số toàn ngành ngân hàng một cách sâu và rộng hơn, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế số, đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và người dân. Với vai trò là “người tiên phong”, chúng tôi lấy làm tự hào vì đã góp phần mạnh mẽ vào bước chuyển mình đó của toàn ngành.
Thành quả có được không chỉ ở câu chuyện “đầu tư bao nhiêu tiền”, mà quan trọng là việc tiếp cận công nghệ nguồn đã được triển khai từ rất sớm và liên tục, cùng với chiến lược về nhân sự, tạo lập quy trình và cả kinh nghiệm triển khai. Việc kiên trì và tập trung đầu tư vào công nghệ và ngân hàng số đã giúp TPBank tích lũy được những lợi thế nhất định về kinh nghiệm và cả kiến thức chuyên sâu. Đồng thời, tại TPBank, ngay từ những bước đầu chuyển đổi số, việc chúng tôi đầu tư mạnh mẽ không chỉ tập trung cho phát triển, cập nhật các công nghệ mới, mà chúng tôi còn chú trọng đầu tư về mặt tư duy số ở mỗi cán bộ nhân viên để mọi cán bộ nhân viên đều thấm nhuần văn hóa đổi mới số. Để luôn nhạy bén, thích nghi với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đồng thời, dễ dàng tiếp cận, triển khai những công nghệ mới. Đó chính là cách chúng tôi duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nói về ngân hàng số, ông từng cho rằng số hóa tạo ra sự khác biệt, nhưng dường như các ngân hàng Việt Nam đang có bước đi khá giống nhau. Ông bình luận vấn đề này thế nào và dự báo nào cho tương lai dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam?
Khi các ngân hàng đầu tư đồng bộ cho phát số hóa, với vai trò như một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế, thì cả nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ điều này. Tuy nhiên, với mỗi ngân hàng sẽ có mục tiêu riêng, đồng thời tự tìm ra thế mạnh của riêng mình, qua đó có chiến lược phát triển phù hợp và khác biệt.
Trong thời gian tới, cạnh tranh về công nghệ sẽ ngày càng khốc liệt hơn nữa nhờ sự ra đời của các công nghệ tân tiến, trí tuệ nhân tạo (AI) hay ChatGPT cũng sẽ được áp dụng, các ngân hàng sẽ đầu tư nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Với TPBank, chúng tôi hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ ngân hàng của mình đa nền tảng, không chỉ ở nền tảng của TPBank, mà ở trên mọi nền tảng có thể của đối tác, ở bất cứ đâu hay thời điểm nào, để phục vụ mọi khách hàng hiện có và khách hàng tương lai.
Nhân sự trong lĩnh vực số được nhận định “nóng” trong bối cảnh các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động và nhân sự không đáp ứng kịp nhu cầu. Những ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực số hóa thường gặp tình trạng “bị/được” các ngân hàng khác “câu” mất nhân viên. Nhận định của ông về vấn đề này? Giải pháp của TPBank trong vấn đề này là gì?
Chúng tôi nhận định đây là tính tất yếu trong nền kinh tế hay bất kỳ ngành nghề nào. Nhận định được sự cạnh tranh về nhân sự số, song song với việc tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực số, chúng tôi cũng đồng thời đào tạo, phát triển chính nhân viên của mình.
Ở TPBank, chúng tôi rất chú trọng vào việc tự phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, tăng cường đào tạo và ứng dụng công nghệ mới, tạo nhiều cơ hội để “nhân sự số” được tiếp cận và thử sức với những công nghệ mới nhất, qua đó ngày càng trưởng thành hơn, và từ đó đào tạo ra những nhân tài số phân tích dữ liệu, khi trên thị trường còn khan hiếm nhân sự trong lĩnh vực này. Ngoài ra, văn hóa chuyển đổi số, tư duy cả tổ chức cùng chuyển đổi số của chúng tôi cũng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực này.