Nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac đặt mục tiêu đưa máy bay C919 của mình bắt đầu bay trên các tuyến thương mại đến Đông Nam Á vào năm 2026 như một bước đầu tiên để mở rộng ra ngoài thị trường nội địa, một quan chức cấp cao của công ty nói với truyền thông Trung Quốc.
Comac, Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc, cũng đặt mục tiêu nhận chứng nhận Châu Âu cho C919 sớm nhất là trong năm nay, Yang Yang, phó tổng giám đốc tiếp thị của công ty, đã chia sẻ với trang tin tức Jiemian của chính quyền Thượng Hải trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
China Eastern Airlines, hãng khai thác C919 đầu tiên, đã đưa Hong Kong (Trung Quốc) vào mạng lưới tuyến bay C919 của mình từ ngày 1/1/2025, biến trung tâm tài chính này thành điểm đến đầu tiên của máy bay bên ngoài Trung Quốc đại lục.
SCMP cho biết thêm chuyến bay đến Hong Kong “vì C919 muốn nâng cao khả năng hiện diện ra ngoài bầu trời Trung Quốc đại lục và máy bay này có thể mở rộng phạm vi hoạt động đến những khu vực không yêu cầu chứng nhận máy bay từ các cơ quan quản lý phương Tây như điều kiện tiên quyết”.
Hiện nay, Air China và China Southern Airlines cũng đang khai thác máy bay C919.
“Các hãng hàng không cần phải được chấp thuận bay với một loại máy bay cụ thể đến một sân bay ở nước ngoài”, Mayur Patel, Giám đốc khu vực Châu Á tại công ty tư vấn OAG có trụ sở tại Anh và Singapore, cho biết. “Với phạm vi hoạt động của C919, các sân bay khu vực ở Đông Nam Á sẽ là lựa chọn lý tưởng”.
“C919 có thể thực hiện các chuyến bay đến nhiều sân bay Châu Á, miễn là đáp ứng các yêu cầu về quy định và hoạt động của từng quốc gia và các nhà khai thác C919 nộp đơn xin bay loại máy bay này để sử dụng tại các sân bay đó”, ông nói.
Có thể bay tại Việt Nam ngay dịp Tết Âm lịch
Được định vị là đối thủ cạnh tranh của Boeing 737 và Airbus A320,
C919 hiện chỉ bay ở Trung Quốc.
“Chúng tôi hy vọng có thể tăng cường triển khai hoạt động của máy bay C919 tại Trung Quốc trước khi mở rộng sang Đông Nam Á”, Yang cho biết trên tờ báo địa phương.
Trung Quốc đã ký các thỏa thuận về chứng nhận khả năng bay và tiêu chuẩn bảo dưỡng để được Singapore, Indonesia, Campuchia, Lào và Myanmar công nhận, trong đó có hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau về an toàn hàng không.
Vào tháng 2/2024, sau khi ra mắt hoành tráng tại Triển lãm hàng không Singapore, Comac đã đưa mẫu máy bay này vào các chuyến bay trình diễn tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia.
Comac cũng đã mở một văn phòng tại Singapore vào tháng 10/2024 để giám sát hoạt động kinh doanh trên khắp Đông Nam Á và cũng điều hành một trung tâm dịch vụ tại Indonesia.
Hồi cuối năm 2024, Vietjet có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận Tải và Cục Hàng không Việt Nam về việc thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) 2 tàu bay Comac ARJ21 (C909) với Chengdu Airlines dự kiến từ 15/1/2025.
Hai tàu bay này có thể dùng phục vụ cho cao điểm Tết Âm lịch 2025 trên các chặng Hà Nội/TP HCM đi Côn Đảo.
Chengdu Airlines cũng là hãng hàng không đầu tiên nhận và khai thác thương mại tàu ARJ21 từ năm 2016. Đến nay, ARJ21 đã tích lũy được hàng nghìn giờ bay an toàn.
Comac có trụ sở tại Thượng Hải đang mong muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á trước khi tiến vào các thị trường phương Tây, vào thời điểm hai gã khổng lồ trong ngành là Boeing và Airbus đang phải vật lộn với những thách thức về chuỗi cung ứng và lao động.
Vào năm 2024, Comac đã giao tổng cộng 12 máy bay C919 cho ba hãng hàng không nhà nước. Công ty cho biết vào năm 2023 rằng họ kỳ vọng công suất sản xuất hàng năm của C919 sẽ đạt 150 chiếc trong 5 năm.