“Giải pháp quan trọng nhất với TPDN là tháo gỡ, hỗ trợ và giám sát doanh nghiệp trả gốc và lãi trái phiếu”
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với báo chí sau khi thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ vừa vận hành chính thức.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại sự kiện khai trương hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ trên HNX ngày 19/07/2023
|
Theo Bộ trưởng, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ là một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhưng điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là một giải pháp liên hoàn, đi từ gốc rễ vấn đề của thị trường nói chung.
Chẳng hạn, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, gỡ vướng và giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong việc thanh toán nợ, gốc cho nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp. Bộ Tài chính vẫn coi đây vẫn là giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá việc ra đời thị trường thứ cấp là TPDN riêng lẻ chỉ là cung cấp thêm nơi để nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể giao dịch thuận tiện hơn và một phần hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận thông tin liên quan về sản phẩm TPDN riêng lẻ đó dễ dàng hơn.
“Trong trường hợp xảy ra các vấn đề tranh chấp dân sự đối với TPDN riêng lẻ thì trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ (đặc biệt là nghĩa vụ trả gốc, lãi) vẫn thuộc về doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư theo pháp luật dân sự. Đương nhiên, trách nhiệm giám sát của các cơ quan, tổ chức liên quan vẫn được đề cao và tiến hành thường xuyên” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Nói về thị trường thị trường TPDN của Việt Nam, Bộ trưởng đánh giá thị trường đã hình thành, có giai đoạn phát triển mạnh, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Đến cuối năm 2022, dư nợ TPDN riêng lẻ đạt khoảng 1.2 triệu tỷ đồng, tương đương 12.6% GDP, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng. Những con số này cho thấy, TPDN là một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Về mặt thể chế, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được khung khổ pháp lý nhằm khuyến khích, thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Tuy vậy, so với tiềm năng và tương quan thị trường trong khu vực, thì quy mô thị trường TPDN vẫn ở mức khiêm tốn. Trong khi tổng dư nợ thị trường TPDN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 13% GDP, trong khi ở Thái Lan là 25% GDP, Singapore là 38% và Malaysia là 56%.
Chính vì vậy, Chính phủ vẫn định hướng tiếp tục phát triển thị trường TPDN một cách an toàn, minh bạch, bền vững. Tuy vậy, đúng là trong quá trình phát triển, thị trường này cũng đã xuất hiện một số vấn đề bất cập như: Cơ cấu giữa TPDN phát hành ra công chúng và TPDN riêng lẻ chưa phù hợp; phần lớn các doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ huy động vốn cho những ngành nghề có nhiều rủi ro…
Cá biệt, có hiện tượng lợi dụng các quy định thông thoáng trong thành lập và hoạt động doanh nghiệp để vi phạm các quy định về công bố thông tin, nâng khống vốn điều lệ, huy động và sử dụng vốn không đúng mục đích.
Về vấn đề này các cơ quan có thẩm quyền đã dần chấn chỉnh, xử lý rất kiên quyết. Bộ trưởng hy vọng rằng sau khi những bất cập,vi phạm được chấn chỉnh, xử lý thì thị trường sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.
Đông Tư