Doanh nghiệp thực hiện dự án khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An lỗ hơn 3.3 tỷ đồng nửa đầu năm
Với việc là doanh nghiệp dự án và đang trong giai đoạn đầu tư, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) báo lỗ hơn 3.3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Cụ thể, PAP không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào trong 6 tháng đầu năm, nhưng lại có hơn 3.2 tỷ đồng chi phí quản lý. Hệ quả, Công ty lỗ hơn 3.3 tỷ đồng.
Liên quan đến việc không ghi nhận doanh thu, PAP cho biết Công ty là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong quý 2/2023, Công ty có phát sinh lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, cũng như khoản đi vay tại các ngân hàng thương mại để chi trả cho các hợp đồng thực hiện dự án.
Tuy nhiên, theo quy định, các khoản tiền trên được tính vào giá trị đầu tư nên Công ty không hạch toán vào doanh thu tài chính, dẫn đến không phát sinh doanh thu trong kỳ.
Về chi phí, Công ty đang dần bước vào giai đoạn thi công dự án nên chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với quý 2/2022.
PAP cho rằng việc lỗ sau thuế hiện tại là tình trạng chung của hầu hết doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án trong giai đoạn đầu tư ban đầu.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của PAP tại ngày 30/06/2023 ghi nhận 4 ngàn tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Trong đó, khoản mục có mức tăng nhiều nhất là phải thu ngắn hạn – ghi nhận 593 tỷ đồng, gấp 7.7 lần, chủ yếu do tăng số tiền trả trước cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc lên gần 378 tỷ đồng và phát sinh khoản phải thu hơn 141 tỷ đồng với Công ty Mitsui E&S Machinery Co.,Ltd.
Chiều ngược lại, tiền và tiền gửi ngắn hạn giảm 85%, còn 96 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ở nợ phải trả, Công ty phát sinh gần 775 tỷ đồng vay nợ dài hạn, dẫn đến tổng nợ phải trả tăng 78% lên gần 2 ngàn tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023. Đvt: Triệu đồng
|
PAP là doanh nghiệp thực hiện dự án khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An. Theo thông tin được công bố đầu tháng 6/2023, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế bản vẽ thi công Phân kỳ 1 dự án đã được phê duyệt, đã ký hợp đồng thi công, được cấp Giấy phép xây dựng và đang triển khai thi công theo tiến độ hợp đồng để đưa dự án vào vận hành, khai thác trong năm 2024.
PAP cho biết sẽ tập trung đầu tư các cầu cảng còn lại trong khoảng thời gian từ năm 2025-2030 nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, cũng như đánh giá hiệu quả phân kỳ mang lại, làm cơ sở triển khai các phân kỳ còn lại để khai thác đồng bộ với hạ tầng giao thông trong khu vực đang được các cấp thẩm quyền triển khai thực hiện (nạo vét Tuyến luồng, cầu Phước An, đường Liên Cảng, cao tốc Bến Lức Long Thành, đường Vành đai 3…).
Ngoài ra, PAP còn đang hợp tác với CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP). Tuy nhiên, Công ty cho biết do có sự thay đổi chính sách của Nhà nước về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, để cập nhật lại các quy định hiện hành, ngày 09/06/2022, Công ty đã xin rút hồ sơ trình thẩm định tại Bộ KHĐT để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu hiện hành.
Dù vậy, do nhận thấy nhu cầu của các nhà đầu tư đối với đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất lớn, để tránh lãng phí tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về quỹ đất khu công nghiệp, tăng hiệu quả đầu tư, Công ty đã có văn bản xin bổ sung 225.24 ha KCN Phước An giai đoạn 2 (chuyển đổi 725.24 ha đất Logistics của khu dịch vụ hậu cần) vào danh mục quy hoạch phát triển các KCN để tích hợp trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2020-2030 tầm nhìn đến 2050 gửi UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận làm cơ sở triển khai đầu tư. Hiện tại, các Sở ban ngành chức năng đang xem xét kiến nghị của Công ty.
* PAP lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 2,380 tỷ đồng
Hà Lễ