Doanh nghiệp nhóm Vietur đang kinh doanh ra sao?
Vượt qua vòng xét tiêu chuẩn kỹ thuật của gói thầu 5.10 sân bay Long Thành giai đoạn 1, nhóm liên danh Vietur nửa đầu năm nay có những diễn biến trái chiều trong kết quả kinh doanh.
Theo thông báo của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV), trong ba liên danh tham dự thầu gói 5.10 dự án sân bay Long Thành, chỉ có Liên danh Vietur đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu.
Liên danh Vietur có 10 doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (Thổ Nhĩ Kỳ) – đứng đầu liên danh, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (UPCoM: CC1), CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG), CTCP Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (UPCoM: HAN), CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC), và CTCP Hawee Cơ điện.
5 doanh nghiệp nhóm Vietur làm ăn ra sao?
Trong bối cảnh thị trường ngành xây dựng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp của liên danh Vietur cũngkhông phải ngoại lệ, một số chỉ tiêu tài chính trong 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan.
Vinaconex (HOSE: VCG) trong quý 2 đạt doanh thu gần 4,567 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; tuy nhiên, lãi ròng giảm hơn 20% khi chỉ đạt gần 103 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex đạt 6,532 tỷ đồng doanh thu, tăng 85%; trong khi lãi ròng gần 109 tỷ đồng, giảm 83%.Vinaconex là 1 trong 5 doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm nay.
Kế đến, Ricons đạt doanh thu quý 2 hơn 2,102 tỷ đồng, giảm 24%; trong khi lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Nửa đầu năm, Ricons đạt 3,821 tỷ đồng doanh thu, giảm 20%; lợi nhuận ròng hơn 68 tỷ đồng, tăng 41%, nhờ vào lãi từ hoạt động tài chính và công ty liên doanh liên kết.
Trong quý 2/2023, CC1 ghi nhận doanh thu 1,236 tỷ đồng, giảm 22% và lỗ gần 3 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 7 tỷ đồng). Đây là quý lỗ đầu tiên của CC1 kể từ quý 1/2020. Lũy kế 6 tháng, CC1 ghi nhận doanh thu 1,782 tỷ đồng và lãi ròng 6 tỷ đồng, giảm tương ứng 36% và 76%.
Hai doanh nghiệp còn lại trong nhóm ghi nhận chỉ tiêu tài chính khiêm tốn trong nửa đầu năm 2023 gồm HAN đạt doanh thu 643 tỷ đồng, giảm 9%; lãi ròng 13 tỷ đồng, giảm 58%. PHC với doanh thu hơn 737 tỷ đồng, tăng 4%; lãi ròng 4 tỷ đồng, giảm tới 75% so với cùng kỳ.
Kết quả năm 2022 cho thấy, Ricons đạt doanh thu lớn nhất với 11,384 tỷ đồng, trong khi lãi ròng đạt 91 tỷ đồng. VCG có doanh thu 8,453 tỷ đồng nhưng lãi ròng tới 782 tỷ đồng. PHC có lãi ròng thấp nhất, chỉ 20 tỷ đồng trong năm 2022.
Năm 2021, PHC là doanh nghiệp duy nhất có doanh thu dưới ngàn tỷ đồng. Lãi ròng vượt trội hơn cả trong năm này là CC1 với 467 tỷ đồng.
Vinaconex có lãi ròng cao kỷ lục trong năm 2020 với 1,605 tỷ đồng kể từ khi niêm yết trên HOSE. Trái ngược, PHC chỉ lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng trong năm này.
Nguồn: VietstockFinance
|
Quy mô tài sản và vốn điều lệ của 5 doanh nghiệp thuộc nhóm Vietur tại ngày 30/06/2023, đứng đầu là Vinaconex với tài sản hơn 31.4 ngàn tỷ đồng, vốn điều lệ 4,859 tỷ đồng. Theo sau là CC1 với tổng tài sản 14,415 tỷ đồng, vốn điều lệ 3,289 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thành Nguyễn