Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam – thông tin, tập đoàn đã phối hợp với Tập đoàn Coats nghiên cứu, hợp tác đầu tư sản xuất vải chống cháy. Loại vải này được sản xuất từ sợi chậm cháy, kém cháy, không cháy. Đây là mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao, mang tính pháp lý, bản quyền, không phải mặt hàng thời trang thông thường.
Sản phẩm làm từ vải chống cháy không phải là mặt hàng thương mại bán trên hệ thống siêu thị trên toàn cầu, mà sản phẩm phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, quy định đánh giá ở quốc gia nhập khẩu. “Đây là sản phẩm có thể có tốc độ tăng trưởng rất nhanh nhưng sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách của mỗi quốc gia, sản phẩm đặc thù không hoàn toàn như sản phẩm mà chúng ta đã làm trong những năm qua”, ông Trường cho hay.
Tập đoàn đang khẩn trương sản xuất, dự kiến trong quý III và đầu quý IV/2024 sẽ xuất khẩu những đơn hàng vải chống cháy đầu tiên sang Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ.
Với loại vải này, năm 2024 tập đoàn đặt ra mục tiêu doanh thu 2 – 2,5 triệu USD và trong 5 năm đầu tiên định hướng mỗi năm có thể tăng trưởng gấp đôi, mục tiêu trước hết là đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ – thị trường rất quan trọng của dệt may thế giới, từ bước tiến ở thị trường Mỹ sẽ thuận lợi ở các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các thị trường khác trên thế giới.
“Nếu so với các mặt hàng thông thường khác, dư địa phát triển của vải chống cháy rõ ràng hơn, ít cạnh tranh hơn trên thị trường”, ông Trường một lần nữa nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, phía nước ngoài đánh giá tiềm năng thị trường cho những sản phẩm vải chống cháy rất lớn, trong khi đó, Việt Nam nằm trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may trên thế giới chưa có các cơ sở sản xuất nguyên liệu phục vụ thị trường đặc biệt này.
Chính vì vậy, việc hợp tác sản xuất vải và trang phục chống cháy của Tập đoàn nhằm định hướng đi vào thị trường ngách đang còn bỏ ngỏ. Với công nghệ này, giá trị miếng vải tăng từ 3-5 lần, những sản phẩm may dùng loại vải này cũng có giá trị cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, tất cả những loại vải, quần áo đặc thù lại đều phụ thuộc vào bản quyền. Những sản phẩm vải chống cháy sẽ đi vào thị trường có yêu cầu khắc nghiệt như quần áo bảo hộ, quần áo đảm bảo an toàn cho người dùng mà không nằm trong phạm vi thị trường thời trang.
“Đây là lần đầu tiên ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với sản phẩm đòi hỏi bản quyền. Bản quyền này được đăng ký ở những quốc gia sử dụng và mang tính pháp lý. Chính vì thế, bước đầu tập đoàn phải tiếp cận thông qua những tập đoàn lớn trên thế giới có sở hữu bản quyền về công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm loại này”, ông Trường thông tin.
Phát triển thị trường ngách là khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra với ngành dệt may nhiều năm qua. Tuy nhiên, mở thị trường ngách vẫn được thực hiện theo hướng khai thác thị trường mới, ngoài những thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng kim ngạch lớn của ngành như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Mở thị trường ngách với những sản phẩm khó, đặc thù và tiềm năng như vải chống cháy là thử thách lớn. Bởi lẽ, với những sản phẩm này bên cạnh đòi hỏi nguồn vốn lớn cho đầu tư công nghệ, doanh nghiệp còn cần có chiến lược và quyết tâm theo đuổi, cùng với đó có nguồn nhân lực đủ mạnh. Khó là vậy nhưng đây lại là hướng phát triển bền vững, đạt doanh thu tốt.
Nhìn lại mặt hàng vải denim do Tổng công ty Cổ phần Phong Phú hợp tác với Công ty TNHH Advance Denim có thể thấy rõ, bắt đầu hợp tác từ năm 2019, đến nay, Phong Phú là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất vải denim tại Việt Nam. Bên cạnh các dòng chuyên cổ điển 100% cotton, Phong Phú phát triển thêm hàng trăm mẫu jeans mới, với thành phần sợi cotton, Tencel, Spandex, Viscose đáp ứng nhu cầu thời trang của thị trường.
Dẫu biết phát triển thị trường với phân khúc sản phẩm đặc thù là khó, tuy nhiên nếu không có quyết tâm, không có định hướng, doanh nghiệp dệt may sẽ không thể bứt phá và tìm được hướng đi an toàn trong bối cảnh thị trường bất định nhiều rủi ro như hiện nay. Và rõ ràng, đây vẫn là cuộc chơi của các “ông lớn” với tiềm lực tài chính, nhân lực đủ mạnh.