Chia sẻ khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp
Thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, trong giai đoạn 2020-2023: Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn cho người nộp thuế là khoảng 9.329,6 tỷ đồng (năm 2020 là 1.629,5 tỷ đồng, năm 2021 là 2.000 tỷ đồng, năm 2022 là 2.329 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 là 3.371 tỷ đồng).
“Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp Cục Thuế thành phố Đà Nẵng luôn chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách Nhà nước. Để bảo đảm cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ ngân sách, Cục Thuế cũng sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội bộ ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ…”, ông Phạm Đức Thường – Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng.
Ông Phạm Đức Thường – Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng cho biết: Với số tiền thuế được miễn giảm lớn trong những năm vừa qua, để đảm bảo nguồn thu, cũng như các chỉ tiêu mà thành phố giao, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tiêu biểu như là triển khai đầy đủ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND thành phố; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, tập trung rà soát từng khoản thu, sắc thuế để đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động đến thu ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở đó, dự báo khả năng thu ngân sách Nhà nước theo từng nguồn thu, sắc thuế như thu số thuế phát sinh, thu nợ thuế, thu qua thanh tra, kiểm tra thuế và thu theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ,…
Tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế. Rà soát, đối chiếu doanh thu kê khai với doanh thu trên hóa đơn, nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp kê khai thiếu, không đầy đủ doanh thu, hoặc kê khai khấu trừ thuế của hàng hóa dịch vụ mua vào không đúng quy định, kịp thời phát hiện các trường hợp đơn vị gian lận, trốn thuế, bỏ địa chỉ kinh doanh…
Ông Thường cho biết thêm, Cục Thuế cũng đã tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong đó tập trung rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ để đôn đốc thu nợ phù hợp; đẩy mạnh các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế.
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch, phương án triển khai công tác thanh tra, kiểm tra linh hoạt, đạt chất lượng, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn. Phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác chống thất thu thuế theo từng lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế.
Theo ông Thường, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng đã đạt được kết quả rất tích cực. Thu nội địa giai đoạn 2021-2023 ước là 54.000 tỷ đồng, đạt 105,5% dự toán được giao (51.131,8 tỷ đồng); trong đó, thu nội địa năm 2021 là 17.683 tỷ đồng, đạt 100,5% dự toán; năm 2022 là 18.732 tỷ đồng, đạt 124% dự toán; ước năm 2023 là 17.510 tỷ đồng, đạt 95% dự toán (nếu không kể tiền sử dụng đất là 98% dự toán).
Tích cực trong công tác chuyển đổi số
Ông Thường cho biết, những năm qua cùng với việc thực thi các gói giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ngành Thuế nói chung và Cục Thuế thành phố Đà Nẵng nói riêng đã rất tích cực và ngày càng khẳng định vai trò tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong những năm qua, ngành thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. “Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.
Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại Cục Thuế thành phố Đà Nẵng và 4 chi cục thuế trực thuộc, trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Ứng dụng thuế điện tử (Etax mobile) trên nền tảng thiết bị di động phục vụ đến người dân như: dịch vụ khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản; dịch vụ khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy… nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt, với việc áp dụng hóa đơn điện tử, ngành Thuế đã thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ về việc điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ của mình đối với ngân sách Nhà nước, triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong năm 2022, triển khai hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên đia bàn thành phố trong năm 2023.
Thực hiện công điện 1123/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Cục Thuế đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế nói chung, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng nói riêng các yếu tố đóng vai trò quyết định, đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ; cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.
Cùng với đó là sự đồng hành của người nộp thuế trong công tác chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế.