Ngày 15/8/2023, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: “Kết nối sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Hội nghị có sự tham gia góp ý của chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC – ông Trần Duy Khanh. Cùng với đó là những tấm gương nông dân tiêu biểu trong sáng chế máy nông nghiệp.
Hội Nghị đã nhìn thẳng và đánh giá thực tế tầm quan trọng của máy móc trong sản xuất nông nghiệp, đưa ra giải pháp để những sáng chế của nông dân được nhân rộng.
Hội nghị online với chủ đề: “Kết nối sáng chế máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Tầm quan trọng của máy móc trong sản xuất nông nghiệp
Chia sẻ tại Hội nghị, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cho rằng, máy móc là một phần cực kỳ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Trong giai đoạn này, nhà nước đang chuyển đổi cơ chế sản xuất, quản lý sản xuất để người dân được phát huy tính sáng tạo, chủ động trong lao động sản xuất. Trong đó, sáng chế máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất là yêu cầu lớn và đây được coi là cuộc cách mạng lớn ngay trong giới khoa học cũng như trong bà con nông dân.
Theo chuyên gia Lân Hùng, ở Việt Nam hiện nay đã áp dụng hàng loạt những loại máy sáng chế mới như cày, bừa, lên luống, gieo hạt, điều khiển từ xa, máy gặt, phun thuốc bảo vệ thực vật…
Chuyên gia Lân Hùng đánh giá những máy móc đã giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng sức lao động, chủ động trong canh tác và đảm bảo sức khỏe cho nông dân.
Đến nay, có thể nhận thấy rõ đóng góp của bà con nông dân trong sáng chế, sử dụng máy móc ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Nói về ví dụ điển hình trong những sáng chế máy móc của người nông dân, ông Nguyễn Lân Hùng nhớ lại kỷ niệm với một người sáng chế máy bóc vỏ sắn. Với chỉ 10 giây, 1 củ sắn đã được tách vỏ hoàn toàn. Chưa dừng lại ở đó, người này còn sáng chế ra máy bóc vỏ sấu, cùng lúc có thể tách hoàn toàn số lượng lớn mà không mất quá nhiều thời gian.
Sáng tạo máy móc dù là nhỏ nhưng thể hiện ý chí, sáng tạo của người dân để giảm bớt sức lao động và nâng cao hiệu quả công việc.
Ông Hùng cho rằng, những sáng kiến nhỏ của người nông dân phù hợp với thực tiễn dù nhỏ nhưng ở những viện nghiên cứu không nghĩ, không thể làm ra.
Hội Nông dân trong nhiều cuộc thi luôn khuyến khích, động viên bà con nông dân đưa ra những sáng tạo máy móc mới. Ông Hùng mong muốn, các cấp lãnh đạo luôn động viên, theo dõi bà con để có những sáng chế máy móc mới phù hợp với hoạt động sản xuất thực tế.
Tại điểm cầu Bắc Ninh, anh Phùng Văn Nam – Nông dân sáng chế máy nông nghiệp chia sẻ tại Hội Nghị, xuất phát từ thực tiễn, những năm 2013, cả Việt Nam chưa có bất kỳ máy lên luống nào, nhận thấy sự vất vả của bà con trong việc này, anh Nam đã nảy ra ý kiến sáng tạo máy lên luống.
“Thời điểm đó, tôi nhập máy móc, linh kiện từ Nhật Bản về, với đam mê nghiên cứu máy móc, tôi đã tự mày mò để chế tạo máy lên luống để phù hợp với đất nông nghiệp của các địa phương ở Việt Nam”, nông dân sáng chế Nam chia sẻ.
Trong quá trình tự mình tạo ra máy lên luống, anh Nam cũng gặp không ít những khó khăn.
Tự nhận bản thân mình chưa được đào tạo qua trường lớp, kỹ thuật về sáng chế máy móc nên trong lúc nghiên cứu, sáng chế máy lên luống đã gặp nhiều bất cập. Do chưa thực sự làm đúng quy trình nên khi làm phải hàn vào, cắt ra nhiều để phù hợp và dần hoàn thiện sản phẩm.
Cũng nhờ những khó khăn, nông dân sáng chế đã tự nhận thấy những ưu/nhược điểm của máy mà mình sáng chế để cải tiến nhược điểm, phát huy ưu điểm giúp phù hợp nhất.
Đến giờ, máy lên luống mini của nông dân Phùng Văn Nam, Bắc Ninh đã đạt được thành công, hiệu quả để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối với người nông dân, khó nhất trong quá trình thương mại hóa sản phẩm là tìm nguồn ra. Do không phải là những nhà kinh doanh hay marketing chuyên nghiệp nên khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến tay người nông dân rộng rãi hơn còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, anh Nam cũng nhanh nhạy khi nắm bắt được mạng xã hội Youtube đang cực kỳ thịnh hành trong khoảng gần 10 năm trở lại đây để đưa sản phẩm mình phổ biến rộng rãi, tiếp cận với người cần thông qua nền tảng mạng xã hội này.
Khi lượng tiếp cận ngày càng nhiều, không chỉ bà con cần mà doanh nghiệp cũng muốn đầu tư phát triển sản phẩm. Do đó, anh Nam đã vừa sản xuất, vừa tư vấn với những người có nhu cầu.
Do là người thuần nông nên anh Nam mong muốn Nhà nước hỗ trợ sản phẩm của mình tiếp cận với nhiều người dân thực sự cần thiết, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và máy móc cũng được sản xuất nhiều hơn gia tăng kinh tế để có động lực sáng chế thêm nhiều loại máy khác phục vụ nông nghiệp và bà con nông dân.
Xuất phát điểm từ một thợ sửa xe máy và đam mê nghiên cứu, anh Tạ Đình Huy – Nông dân sáng chế máy móc nông nghiệp đa năng chia sẻ quá trình sáng tạo ra những sản phẩm của mình gặp nhiều khó khăn.
Năm 2008, từ những mẩu sắt vụn vô chi, anh Huy đã thu nhặt và sáng chế ra những chiếc máy cày, phun thuốc, xới… từ một loại động cơ để phục vụ trong nông nghiệp và bán cho những người nông dân quanh khu vực sinh sống.
Đỉnh cao đến với anh Huy khi năm 2013, anh đã đi thi nhà sáng chế máy nông nghiệp và được giải nhất. Đây cũng là bước ngoặt với nhà sáng chế này khi bà con nông dân khắp cả nước biết đến sản phẩm tích hợp nhiều chức năng phục vụ nông nghiệp của anh Huy.
Khi đã nhiều người biết đến sản phẩm, anh Huy tăng công suất sản xuất, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu. Đó là sự thành công ngoài mong đợi của người nông dân sáng chế máy móc.
Theo anh Huy, ngoài sản phẩm anh tự nghiên cứu và sản xuất, khi có yêu cầu từ bà con nông dân mong muốn sáng chế các loại máy khác nhau thì anh cũng tự lên ý tưởng, thiết kế để sáng chế để bán cho người dân.
Để những sản phẩm sáng chế đến gần với nông dân hơn, anh Huy không quên cảm ơn Nhà nước, Hội, Ban, Ngành đã tạo điều kiện để sáng chế của nông dân ứng dụng và phổ biến rộng rãi hơn. Thời gian tới, mong Nhà nước tiếp tục đồng hành của nông dân để họ có thêm động lực phát triển, sáng chế hay phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.
Nông nghiệp luôn là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng chưa được đầu tư đúng mức
Là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC – ông Trần Duy Khanh thấu hiểu người nông dân khi cho rằng đây là tầng lớp vất vả, chịu nhiều thiệt thòi nhất hiện nay về cả đời sống vật chất và tinh thần.
Mặc dù đất nước trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, nhưng nông nghiệp luôn là bệ đỡ của nền kinh tế để vượt qua từng giai đoạn.
Tuy nhiên, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông dân của Việt Nam đến thời điểm này vẫn còn rất ít.
“Đến thời điểm này, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam còn rất yếu. Hiện tại, vẫn đang trông chờ vào nông dân trong những sáng chế máy móc chứ viện nghiên cứu hiện vẫn chưa đưa ra những sản phẩm máy móc phù hợp sử dụng”, ông Khanh nhận định.
Trong khi đó, những sáng chế của người nông dân thường không được áp dụng đại trà mà chỉ phân phối nhỏ lẻ do chưa thể tự mình xây dựng hệ thống phân phối bán hàng.
Theo chuyên gia Khanh, hiện nay dư địa trong sáng chế, phát triển máy móc phục vụ nông nghiệp vẫn còn rất nhiều ở Việt Nam.
Những nghiên cứu của người nông dân hiện nay là vô cùng hay, nhưng do thiếu kiến thức nên chưa thể phát triển mạnh mẽ và nhân rộng. Những sản phẩm của người nông dân nếu được Nhà nước, viện nghiên cứu “thổi hồn” vào để xây dựng quy trình sản xuất hoàn chỉnh để có thương hiệu thì sẽ vô cùng phát triển.
“Những sản phẩm của nông dân sáng chế như anh Nam, Huy vẫn mang tính thủ công, chưa thể lớn mạnh được. Đặc biệt, người nông dân luôn loay hoay trong vấn đề tìm vốn sản xuất và cần hỗ trợ của doanh nghiệp, chính quyền để sáng chế được nhân rộng và sản xuất đại trà”, ông Khanh nêu khó khăn.
Đồng tình với ông Khanh, Giáo sư, tiến sĩ sinh học Nguyễn Lân Hùng cho rằng, nông dân sáng chế vẫn còn thiếu sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp. Tiếp theo, các viện nghiên cứu cũng cần quan tâm đến những máy móc, sáng chế của nông dân. Khi đã có sản phẩm thô, cần những người có kiến thức, kinh nghiệm của các viện nghiên cứu sẽ càng giúp sáng chế sớm đi vào thực tiễn hơn.
Các chuyên gia mong muốn, qua những chương trình Hội thảo, Tọa đàm như của Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt, các sản phẩm sáng chế của nông dân sẽ được Nhà nước, doanh nghiệp quan tâm hơn, đầu tư đúng mức để phát triển, nhân rộng bởi dẫu sau Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay.
Ảnh và video Khải Phạm