Nói đến công nghệ cao của thế giới và việc xây “ngôi nhà thứ hai” tại Việt Nam, không thể không nhắc tới tập đoàn Samsung. Hơn 50% điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới là sản phẩm từ Việt Nam, nơi “đại gia” Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, “ông lớn” toàn cầu ngành bán dẫn và chip AI là NVIDIA cũng đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Chính ông Jensen Huang, nhà sáng lập và CEO của Tập đoàn NVIDIA đã khẳng định điều này tại Hà Nội trong tháng 12/2024.
Bán dẫn: Trái tim trong công nghệ cao
Nhà sáng lập NVIDIA đã có những bước đi rõ ràng để cụ thể hóa cam kết biến Việt Nam “thành quê hương thứ hai của NVIDIA”. Ông và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã cùng công bố Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA vào ngày 5/12/2024.
Thỏa thuận không chỉ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế mà còn tạo đà cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ngành công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, việc xây dựng một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) AI tiêu chuẩn thế giới và được đầu tư, vận hành bởi NVIDIA chính là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái AI Việt Nam, thúc đẩy R&D và triển khai ứng dụng các công nghệ AI tiên tiến.
Theo những nội dung cam kết trong thỏa thuận, NVIDIA sẽ là một đối tác quan trọng, đồng hành cùng Việt Nam phát triển hệ sinh thái AI, đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển của Việt Nam nói chung trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Cũng nổi bật trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam là công ty Synopsys. Tập đoàn bán dẫn của Mỹ khai trương văn phòng thứ tư tại Việt Nam, đặt tại Hà Nội, cùng trong tháng 12/2024.
Ông Vũ Đình Hưng, đại diện văn phòng Synopsys Việt Nam tại Hà Nội, nhấn mạnh: Văn phòng mới là biểu tượng cho sự phát triển, khát vọng và cam kết của tập thể Synopsys Việt Nam trong công việc.
Theo nhận định của ông Amit Khanuja, Phó Chủ tịch bộ phận Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật của Tập đoàn Synopsys, nhu cầu về máy tính vẫn tiếp tục khi lĩnh vực AI phát triển như vũ bão, và tất cả các ngành công nghệ hay tiêu dùng đều có nhu cầu khổng lồ về chip.
Tháng 9/2023, Synopsys và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip. Synopsys cũng cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình đào tạo giảng viên cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Cuộc cạnh tranh trong ngành bán dẫn và chip giữa các tập đoàn Mỹ tại Việt Nam cũng bao gồm “ông lớn” Marvell Technology. Theo kế hoạch, Marvell sẽ mở thêm một trung tâm thiết kế chip mới tại TP.HCM trong năm 2025 – bước tiếp theo sau khi khai trương một trung tâm tương tự tại Đà Nẵng vào quý 2/2024.
“Việc mở rộng mạng lưới như vậy là minh chứng cho cam kết của công ty trong việc phát triển ngành thiết kế chip tại Việt Nam”. Đây là thông tin từ Marvell vào tháng 5/2024 khi Marvell công bố rằng tập đoàn đã đạt được mức tăng trưởng hơn 30% lực lượng lao động tại Việt Nam chỉ trong tám tháng, từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về đầu tư và đổi mới sáng tạo Mỹ – Việt Nam vào tháng 9/2023 với sự tham dự của Chủ tịch kiêm CEO của Marvell, ông Matt Murphy, Marvell đã cam kết sẽ tăng trưởng 50% lực lượng lao động tại Việt Nam trong ba năm.
Chip bán dẫn được ví như trái tim trong các thiết bị công nghệ cao. Ảnh TL
Tiến sĩ Lợi Nguyễn, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Marvell, là người Mỹ gốc Việt: ông sinh ra và trưởng thành tại TP.HCM và đang làm việc tại thành phố. Vì vậy, TS Lợi tả cuộc sống hiện nay của ông chính là “trở về nhà”.
Marvell bắt đầu hiện diện tại Việt Nam khi kiến trúc sư hệ thống Lê Quang Đạm, một trong những giám đốc cấp cao của Marvell, đồng ý về nước vào tháng 10/2013. Chịu giảm 70% lương nhưng ông Đạm vui vì cơ duyên dẫn đường cho Marvell (trong nhóm các tập đoàn hàng đầu thế giới về chip xử lý dữ liệu ổ cứng) đặt chân vào kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện đang giữ vị trí Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, vị kỹ sư gốc Huế này tin rằng Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng về kỹ sư và nhân sự trong ngành bán dẫn trong tương lai sắp tới.
Điện tử – ngành công nghệ không ngừng mở rộng
Công ty Goertek Vina con của tập đoàn khổng lồ Goertek Inc. từ Trung Quốc hiện đang chuẩn bị tăng gấp đôi sản lượng sản xuất máy bay không người lái (UAV) lên 60.000 sản phẩm một năm. Nhà máy của Goertek Vina này tại KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (nơi Samsung tập trung sản xuất điện thoại thông minh) đang sản xuất 30.000 UAV một năm. Hai dòng sản phẩm sẽ được sản xuất tại đây là Wing/7000 MP3 và Wing 7000 W-B.
Ngoài ra, nhà máy của Goertek Vina trong KCN Quế Võ cũng bổ sung sản xuất và lắp ráp thiết bị của UAV, gồm thẻ bản đồ nhận dạng vị trí, thiết bị sạc, bộ điều khiển quản lý pin, thiết bị điều khiển… khoảng 31.000 sản phẩm mỗi năm.
Goertek Vina được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2019 và thay đổi lần gần nhất vào tháng 11/2024, với tổng mức đầu tư đến nay đạt gần 566 triệu USD. Riêng với UAV, Goertek Vina bắt đầu sản xuất từ tháng 4/2023. Nhà máy này cũng sản xuất nhiều thiết bị điện tử khác, như tai nghe, kính thực tế ảo, flycam, loa điện thoại… với công suất 1,1 tỷ sản phẩm mỗi năm.
Vào thời điểm cuối năm 2024, Công ty ShunSin Technology Holdings Limited thuộc Tập đoàn Foxconn thông báo đã hoàn thành việc rót thêm vốn 80 triệu USD vào Công ty TNHH Công nghệ Shunsin (Việt Nam), doanh nghiệp con của ShunSin Technology.
Nhà máy của Shunsin (Việt Nam) sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Theo dự kiến của công ty mẹ, với số vốn vừa đầu tư thêm, công tác xây dựng các hạng mục công trình, lắp đặt máy móc thiết bị sẽ được tiến hành từ tháng 1/2025 đến tháng 5/2026; sẽ vận hành thử nghiệm vào tháng 6/2026 và vận hành chính thức từ tháng 12/2026. Toàn bộ các sản phẩm của dự án được xuất khẩu cho các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.
Theo một báo cáo thường niên của Foxconn, nhà sản xuất điện tử khổng lồ này đã thành lập khoảng 20 pháp nhân trực thuộc tại Việt Nam. Hầu hết các dự án sản xuất sản phẩm điện tử tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Quảng Ninh ở miền Bắc.
Trong khi đó, tại miền Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang đặt kỳ vọng mới vào ngành điện tử. Hiện nay, huyện Châu Đức đang trong quá trình sẽ trở thành trung tâm thu hút vốn FDI vào lĩnh vực điện tử cho tỉnh. Trên diện tích 18ha tại Khu công nghiệp Sonadezi ở huyện Châu Đức, Electronic Tripod Việt Nam (công ty con của Tập đoàn Tripod, Đài Loan – Trung Quốc) đang xây dựng nhà máy trị giá 250 triệu USD.
Tripod mở rộng sản xuất sang Việt Nam, cụ thể là dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng sản lượng. Đây là tập đoàn nằm trong top thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm. Nhà máy đang xây dựng tại Châu Đức sẽ sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử với công suất 372.000m2 (1.800 tấn sản phẩm/năm).
Điều quan trọng là Tripod dự kiến sẽ mở rộng quy mô lên tới 100ha, qua đó sẽ kéo theo vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác trong chuỗi cung ứng sản xuất đến Châu Đức nói riêng và Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.
Cũng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn BOE Bắc Kinh nhận giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 3/2024 để xây nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Với tổng đầu tư 277,5 triệu USD, BOE sẽ lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, tivi, bảng giá điện tử, bo mạch… Ban đầu, BOE dự kiến nhà máy sẽ mở cửa hoạt động trong năm 2026. Tuy nhiên, nhờ quá trình triển khai thuận lợi, cụ thể là việc nhà đầu tư đã làm lễ cất nóc cho nhà máy, dự án sẽ đi vào hoạt động sớm hơn kế hoạch ban đầu.
Ông He Hongbing, Tổng Giám đốc BOE Việt Nam (công ty con của BOE) cho biết kế hoạch mới nhất cho nhà máy là sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2025 thay vì 2026. Đây là dự án sản xuất thứ 2 tại Việt Nam của BOE sau dự án tương tự tại tỉnh Đồng Nai được đưa vào khai thác năm 2019.