Còn giới chuyên gia cũng đặt một số kỳ vọng khả năng linh hoạt của chính sách thương mại của Việt Nam, chiến lược khôn khéo để tránh tác động xấu trong cuộc chiến thương mại phiên bản 2.0 giữa Mỹ – Trung Quốc (nếu có).
Nhiều quan sát cho thấy, một số hoạt động xúc tiến đầu tư, mua bán của doanh nghiệp Việt gần đây chứng tỏ Việt Nam đang chủ động để thực hiện chiến lược ngoại giao cân bằng giữa hai nền kinh tế.
Mỹ là thị trường thương mại số 1 Việt Nam
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2024 tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Mỹ đạt 134 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% và nhập khẩu 15 tỷ USD, tăng 8,8%.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ tại khu vực ASEAN. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hiện nay, các sản phẩm công nghệ cao chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, bao gồm đồ điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh, hàng may mặc và giày dép; Phần còn lại bao gồm các sản phẩm khác, chẳng hạn như đồ nội thất và nông sản. Năm 2024, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, với giá trị đạt hơn 23,2 tỉ USD, tăng 36,3% so với năm 2023, chiếm 19,4% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, lo ngại lớn nhất khi ông Donald Trump lên nắm quyền là siết chặt thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ các thị trường gây thâm hụt thương mại lớn, đứng đầu là Mỹ. Điều này có thể khiến dòng cung ứng toàn cầu chảy sang nước thứ 3, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có vị trí địa lý chính trị thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào để đón làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư. Do vậy, các doanh nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ… cần nỗ lực, chủ động để nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, cơ hội đi liền với thách thức, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang nước thứ 3 đi liền với nguy cơ hàng hóa nước thứ 3 trở thành nơi lẩn tránh xuất xứ ngày càng lớn, nguy cơ bị áp đặt thêm các vụ kiện phòng vệ bổ sung ngày càng nhiều.
Đại diện Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng: Mong muốn khôi phục lại sự cân bằng thương mại của Mỹ là ưu tiên số một. Tổng thống Trump tin rằng việc áp đặt thuế quan có hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu đề ra mà không gây ra sự gián đoạn kinh tế và gián đoạn thị trường như nhiều nhà kinh tế dự đoán.
Vì vậy, áp lực đàm phán về các giải pháp để giảm đáng kể thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có thể sẽ bao gồm cả việc đàm phán giảm thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam.
“Từ góc độ quản lý nhà nước, để xử lý thỏa đáng và hiệu quả mối quan hệ kinh tế thương mại với Chính quyền Trump, trong tất cả các tình huống, Việt Nam cần chủ động đối thoại, kiên trì đàm phán trên tinh thần đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia, tránh trở thành đối tượng thương mại cần xử lý của Mỹ”, đại diện Bộ Công Thương nêu.
Lên hai kịch bản chủ động trước tác động mới
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cơ quan này đã xây dựng 2 kịch bản ứng phó với tác động từ chính sách thuế mới khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Kịch bản thứ 2, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ DN sản xuất, XK trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.
Trao đổi với báo giới, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc Tổng thống Mỹ không công bố thuế nhập khẩu với Trung Quốc sau khi nhậm chức cho thấy sự thận trọng so với tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, ông Donal Trump có thể thay đổi quyết định bất ngờ, bởi ông ấy là người cứng rắn với quan điểm về thâm hụt thương mại, đòi hỏi sự cân bằng trong thương mại hai chiều.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đánh giá Việt Nam với kinh nghiệm làm ăn hàng chục năm qua với thị trường Mỹ, ông tin rằng các doanh nghiệp sẽ có cách để đi sâu vào thị trường, làm ăn với đối tác Mỹ và thu hút đầu tư từ nước Mỹ nhiều hơn.
Ông Lạng cho biết, Việt Nam có thể tìm kiếm khách hàng mới ở Mỹ theo chuỗi, dùng vốn đầu tư của Việt Nam sang Mỹ, mua nhiều thiết bị, máy móc của Mỹ như Vietjet Air đang làm là một minh chứng cho tính chủ động của Việt Nam.
“Chính sách của Tổng thống Donal Trump có thể cứng rắn. Tuy nhiên, tôi tin là khả năng thích nghi của Việt Nam là cao. Bên cạnh đó, các đối tác làm ăn với Việt Nam cũng tìm kiếm sự ủng hộ của ông Trump cho việc cân bằng, nhằm bảo vệ, không gây tổn thương đầu tư và thương mại hai chiều”, ông Lạng phân tích.