Đưa kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD
Diễn đàn Hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024 với chủ đề “Niềm tin và hợp tác: Chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)”, do Hiệp hội DNNVV Việt Nam và Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc phối hợp tổ chức ngày 21/11, tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 76 tỷ USD. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).
Việt Nam không chỉ là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN mà còn là một trong 3 đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trên thế giới về thương mại và đầu tư.
Hàn Quốc luôn là đối tác đầu tư số 1 của Việt Nam trong tổng số 146 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 87 tỷ USD với gần 10.000 dự án. Đầu tư của Hàn Quốc tập trung vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như: công nghệ cao, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng, ô tô, xây dựng, bất động sản…
“Lãnh đạo hai nước đưa ra mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong thời gian tới và 150 tỷ USD vào năm 2030”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút, ưu tiên cao như: công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn Hàn Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng; coi Việt Nam là điểm đến chiến lược để xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cần đưa ra những khuyến nghị, tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các rào cản trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp Việt – Hàn hợp tác tìm cơ hội phát triển trên toàn cầu
Ông Kim Sung Seop, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Khởi nghiệp Hàn Quốc, chia sẻ: Với dân số trẻ, năng lực đón nhận kỹ thuật số cao, Việt Nam là quốc gia rất quan trọng đối với các DNNVV Hàn Quốc. Hợp tác của DNNVV hai nước sẽ trở thành sức mạnh cộng hưởng cho cả hai bên.
Năm ngoái, Trung tâm Khởi nghiệp Hàn Quốc (K-Startup Center) tại Hà Nội đã chính thức vận hành. Doanh nghiệp khởi nghiệp hai nước có thể hình thành mạng lưới hợp tác, chia sẻ công nghệ với nhau, trở thành đối tác kinh tế của nhau. Thông qua những hoạt động như vậy, những khó khăn của doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư tại Việt Nam sẽ được giải quyết.
“Diễn đàn Hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc lần này sẽ giúp các doanh nghiệp khối tư nhân hiểu nhau hơn, tìm được nhiều cơ hội hợp tác đầu tư hơn nữa để cùng phát triển mạnh mẽ, mở ra trang mới trong hợp tác đầu tư hai nước”, ông Kim Sung Seop nhận định.
Ông Kim Ki Mun, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hàn Quốc, bày tỏ kỳ vọng diễn đàn không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm mà còn tạo ra các cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy sự phát triển của DNNVV hai nước.
Theo ông, những mô hình thành công từ Hàn Quốc như nhà máy thông minh của Samsung hay nông trại thông minh sẽ là những bài học quý cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ.
Khẳng định “DNNVV ở hai quốc gia đều đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, thông tin: Tại Việt Nam, các DNNVV chiếm đến 97% tổng số lượng doanh nghiệp, hàng năm đóng góp hơn 40% GDP và 60% lao động. Ở Hàn Quốc, các DNNVV chiếm 99%, hàng năm đóng góp 46% GDP và 81% lao động.