Theo Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đây là dự án lớn nhất trong lịch sử với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD (1,7 triệu tỷ đồng) gần bằng tổng thu ngân sách trong một năm.
Đề nghị Chính phủ thông tin về khả năng thu xếp và cân đối vốn
Ông Mai cho rằng dù trong tờ trình của Chính phủ cho biết các số liệu về ngân sách khi thực hiện dự án là đảm bảo an toàn. Nhưng xuất phát từ thực trạng về những tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan của các dự án đầu tư công hiện nay, đại biểu Mai đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Từ đó, đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn nợ công, bội chi ngân sách, nợ nước ngoài…
“Về an toàn nợ công đã tính đến việc tăng trần nợ vay của chính quyền địa phương ở các tỉnh thành phố được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù hay chưa?”, đại biểu Dương Khắc Mai đặt vấn đề.
Đại biểu Mai nhấn mạnh phải làm rõ vấn đề này bởi ngân sách còn nhiều khoản phải chi. Ngoài chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên, chi hàng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình đề án.
Ví dụ ngoài dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong lĩnh vực đường sắt theo kế hoạch sẽ đầu tư một số tuyến kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế, tuyến đường sắt đô thị… Ông Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng 4 tuyến đường khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, Lào thì tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 27 tỷ USD.
Bên cạnh đó là nhiều chương trình, dự án cần nguồn vốn hàng tỷ USD, như phấn đầu hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến năm 2030, 10.000 km vào năm 2045 hay các giai đoạn tiếp theo của sân bay Long Thành, các chương trình mục tiêu quốc gia khác…
Liên quan đến thu hút đầu tư, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo đại biểu, “dự án thực hiện đầu tư công 100% nhưng không có nghĩa là Nhà nước thực hiện tất cả công việc”. Chính vì vậy, Nhà nước đặt hàng các nhà đầu tư tư nhân có năng lực trong những ngành nghề có liên quan.
“Nên thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào làm đầu tư xây dựng nhà ga, các dịch vụ hỗ trợ khác vì họ làm rất tốt. Điều này đã thực hiện trong lĩnh vực hàng không, đường bộ, đường thủy”, ông Mai nói.
Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn.
“Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia”, ông Mai phân tích.
Tránh đội vốn, bù lỗ, khai thác không hiệu quả
Cùng bàn chủ đề này, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần bàn làm chứ không bàn lùi. Đây cũng là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.
Về tổng thể quy hoạch, đại biểu đề nghị cân đối có sự hài hòa giữa các loại hình giao thông đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Bởi hiện nay có những khu vực, dải miền Trung hầu như tỉnh nào cũng có cảng hàng không. Do đó, cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí.
Về khả năng cân đối nguồn vốn, đại biểu cho biết dự án đang đặt trong tổng thể mục tiêu đến 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Với 6 năm còn lại thì khả năng cân đối nguồn vốn để vừa phát triển kinh tế – xã hội, các công trình dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia là một bài toán khó.
Đại biểu cũng nhấn mạnh cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.
Về tiến độ dự án, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV nhấn mạnh, để đảm bảo tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án.
“Đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lương cao nhất”, ông Sơn nêu.
Ông Sơn đề nghị tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt để tháo gỡ khác khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo.