Việt Nam – “địa chỉ đỏ” cho dòng vốn mới
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, luỹ kế đến năm 2024 cả nước có 42.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD, tương đương 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Năm 2024, Việt Nam thu hút được hơn 38,23 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần.
Đáng chú ý, vốn thực hiện ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2024, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 10,21 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn, tăng 31,4% so với năm 2023.
Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 7,06 tỷ USD, chiếm 18,5%, tăng 37,5%.
Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Bên cạnh lượng vốn hàng năm lớn, Việt Nam đang có sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới như Samsung, Intel, LG.
Năm 2023-2024, Việt Nam đón nhận những dự án tỷ USD của các nhà đầu tư bán dẫn như Amkor tại Bắc Ninh với tổng vốn hơn 1,6 tỷ USD, Hana Micron cũng dự kiến đầu tư mở rộng tại Việt Nam với quy mô vốn gần 1 tỷ USD.
Năm 2024, “ông lớn” ngành bán dẫn quy mô vốn 2.000 tỷ USD là Nvidia (Mỹ) sau thời gian hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như FPT, Vingroup, CMC cũng đã thể hiện quyết tâm đặt hai Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam và tiến hành mua lại dự án khởi nghiệp về công nghệ trí tuệ nhân tạo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng VinBrian.
Để quyết tâm đi vào phát triển ngành bán dẫn, tháng 8/2024, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đứng đầu.
Ngày 6/1/2025, trong Thông báo số 05/TB-VPCP về kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn, rào cản đối với lĩnh vực bán dẫn.
Trong đó, các vấn đề cụ thể như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy, thị thực nhập cảnh, giấy phép lao động… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hỗ trợ nhà đầu tư cần thực hiện kịp thời, nhất quán, theo cơ chế một cửa (One-Stop Service) để hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đầu tư và các vấn đề liên quan khác. Điều này nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp bán dẫn, tư vấn, tiếp nhận, tham mưu cấp phép và theo dõi tiến độ các dự án đầu tư về công nghiệp bán dẫn; dành mức ưu tiên xử lý cao nhất đối với hồ sơ thủ tục các dự án.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nhờ có các chủ trương, chính sách quyết liệt của Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ, thời gian qua có nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn thế giới sang Việt Nam tìm hiểu, mở ra cơ hội xúc tiến, chào mời đầu tư.
Tư lệnh ngành KH&ĐT cho biết, hiện trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam có 174 dự án với tổng vốn đăng ký, cấp mới và đã hoạt động là gần 12 tỷ USD.
Nhiều tập đoàn công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn như Intel, Nvidia, Amkor, Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip… đã đầu tư hoặc tỏ rõ kế hoạch cụ thể về chuỗi sản xuất ở Việt Nam.
“Với Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới là Nvidia, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với cơ quan liên quan thành lập 02 Tổ công tác làm việc với Nvidia trong nhiều năm để hợp tác, bắt tay, cụ thể hóa phương án hợp tác giữa hai bên tại Việt Nam”, ông Dũng cho hay.
Ngày 05/12/2024, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia đã được ký kết nhằm hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.
“Thỏa thuận là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có được bước nhảy vọt về công nghệ trong thời gian tới, có hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn đầu tư vào Việt Nam; đồng thời thu hút, giữ chân được nhiều nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và AI”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, ngay sau khi ký kết Nvidia đã triển khai ngay các công việc liên quan như tuyển người, kiện toàn bộ máy lãnh đạo và củng cố, thu hút nhân tài trong và ngoài nước về làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Không chỉ có Nividia vào Việt Nam, đầu tháng 11/2024, Việt Nam cũng tiếp đón 100 đối tác công nghệ lớn của Mỹ sang Việt Nam tìm đối tác, nghiên cứu. Tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… , doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Tràn trề cơ hội, Việt Nam làm gì để “ngồi mâm” với các đại bàng công nghệ thế giới?
Mặc dù bước đầu có thành quả lớn trong thu hút vốn vào công nghệ cao, hướng đến đi sâu vào ngành bán dẫn. Tuy nhiên, với Việt Nam – nước đang phát triển đi thẳng vào ngành bán dẫn, sản xuất chip, lĩnh vực AI là thách thức lớn.
Các khó khăn lớn của Việt Nam được kể ra là: Cơ sở hạ tầng, điện, giao thông và kỹ năng quản trị của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; thiếu lao động lành nghề, đặc biệt chuyên gia, kỹ sư bậc cao, bậc trung để có thể liên kết, chuyển giao công nghệ, từng bước đi làm chủ công nghệ.
Cuối cùng là biến động môi trường cạnh tranh địa kinh tế, chính trị thế giới đã, đang đòi hỏi Việt Nam hàng ngày, hàng giờ phải thay đổi, thích ứng để cạnh tranh nguồn vốn, tiếp nhận công nghệ để đi cùng, tiến kịp với các doanh nghiệp hàng đầu, quốc gia tiên tiến.
Trong chiến lược phát triển bán dẫn Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 phải đào tạo từ 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn, đồng thời ấp ủ các chính sách để :trải thảm đỏ” mời gọi các nhà khoa học, chuyên gia gốc Việt, nhân tài khắp nơi trên thế giới phụng sự cho mục tiêu phát triển, vươn lên trong ngành công nghệ cao, bán dẫn, AI.
Trao đổi với PV Dân Việt, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, với Việt Nam, quá trình phát triển chúng ta cần cân bằng hai yếu tố, nội lực trong nước và nguồn ngoại lực nước ngoài. Trong nước chúng ta đã có những tập đoàn kinh tế quy mô lớn trị giá hàng tỷ đến chục tỷ USD và Việt Nam có đủ năng lực để đi vào các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi lấy các doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, Viettel là trọng tâm, cốt lõi để phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Mại, là nước đi sau Việt Nam cần tận dụng ngoại lực. Việt Nam đang rất thiếu công nghệ, kỹ năng quản trị, vốn từ nước ngoài, nhất là lĩnh vực mới, chuyên sâu, hàm lượng giá trị gia tăng cao.
“Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Đây là Nghị quyết xác định phương hướng, bước đi của Việt Nam từ bị động đón chờ dự án từ nước ngoài, sang thế chủ động mời gọi, đàm phán, bắt tay với các ông lớn để đầu tư cho các mục tiêu, định hướng chiến lược Việt Nam là các dự án công nghệ cao, dự án chiến lược, ngành chuyên sâu, đặc thù. Chính nhờ có định hướng này mà Việt Nam trong 5 năm trở lại đây vẫn duy trì sức hút FDI lớn, bất chấp thế giới đầu tư ảnh hưởng nghiêm trọng từ Luật Thuế tối thiểu toàn cầu, khiến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài suy giảm”, ông Mại phân tích.
Theo GS Mại, so về lợi thế so sánh trong phát triển các ngành công nghệ cao, bán dẫn, AI, IoT, Việt Nam bất lợi so với các nước phát triển, quy mô dân số đông. Cơ sở hạ tầng như điện, giao thông, logistics hay nhân lực về công nghệ cao, đặc biệt ngành bán dẫn còn thiếu hụt, đây là khó khăn cho Việt Nam để đi sâu và thu được giá trị gia tăng cao trong ngành bán dẫn, AI, IoT… Tuy nhiên, khoảng trống này có thể được lấp đầy nhanh chóng nếu có quyết tâm lớn, chủ trương, chiến lược đúng đắn.
TS Nguyễn Thanh Bình, Quản lý chương trình cao cấp, Đại học RMIT cho biết, một trong những điểm yếu của đào tạo nhân lực công nghệ hiện nay tại Việt Nam chính là thiếu nền tảng. “Về giáo dục, cần nghiên cứu sâu về chiều sâu công nghệ và áp dụng công nghệ trong cả tài chính lẫn kinh doanh. Điều này rất quan trọng và ở đây, nền tảng chính là nghiên cứu”, TS.Bình chỉ rõ.
TS Bình cũng cho rằng, vấn đề của các trường đại học là nghiên cứu đề tài gì khi công nghệ đang phát triển quá nhanh. Hướng giải quyết là phải làm cùng lúc với các doanh nghiệp. Nhìn vào bài toán hiện tại của các doanh nghiệp và nền kinh tế để nghiên cứu và tìm ra lời giải cho bài toán đó. Cần tạo ra nền tảng và dựa trên nền tảng để có phương pháp giáo dục mới.
“Chúng ta cần phải nghĩ đến câu chuyện tiến hóa mô hình giáo dục, sinh viên không cần phải mất 3-4 năm mới học xong một ngành. Cụ thể, cần những mô hình giáo dục có thời gian ngắn hơn, chẳng hạn để đào tạo 100.000 nhân lực công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… trong 6 tháng, cần chọn lựa những người đang đi làm để họ cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu vào một mảng nhất định”, TS. Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến.
“Chúng ta không có cách nào để đào tạo 100.000 sinh viên với kiến thức công nghệ mới nhất trong 3-4 năm tới. Ở đây, lời giải là đưa ra các sản phẩm, mô hình mới về giáo dục dành cho những người đang đi làm và đào tạo họ trong thời gian 6 tháng”, TS Bình nói.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thách thức “số 1” mà Việt Nam phải đối mặt là đội ngũ chuyên gia, giảng viên trong hoạt động đào tạo ngành bán dẫn hiện vẫn còn rất hạn chế.
Nguyên nhân là bởi quá trình đào tạo vẫn yêu cầu một khoản đầu tư rất lớn từ phía Nhà nước, viện trưởng và các doanh nghiệp, bao gồm cơ sở phục vụ đào tạo, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu.
Bên cạnh đó tại Việt Nam, các chương trình đào tạo ở cấp đại học hoặc là còn hạn chế, hoặc là chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế so với sự phát triển “thần tốc” của công nghệ bán dẫn. Điều này đặt ra những bài toán không dễ cho việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhân lực cần thiết, hướng đến mục tiêu như đã đề ra.