“GIỮ” MÙA XUÂN Ở LẠI
Những tưởng thời gian và hương sắc của mùa xuân sẽ trôi đi theo gió, chẳng ai có thể níu giữ được, nhiều người cứ mãi khát khao như 4 câu đầu trong bài thơ Vội vàng của thi sĩ Xuân Diệu: “Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi”… Nhưng không, ở cố đô Huế, có một nữ nghệ nhân đã “giữ” được hương xuân vào chén trà thanh đượm để mời khách gần xa.
Ấy là nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị, 40 tuổi, giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. Chủ nhân “Hiên trà Nhị Độ Mai” ở Huế xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu và làm trà ở xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình. Gần 20 năm trước, cô nữ sinh Thanh Nhị vào xứ Huế học đại học rồi được giữ lại trường làm giảng viên.
Ở trường đại học, Thanh Nhị là tiến sĩ, giảng viên, nhưng với giới thưởng trà xứ Huế, chị là nghệ nhân trà có thứ bậc trong giới, từng đạt các giải thưởng cao trong cuộc thi Tea Masters Cup Vietnam 2019 gồm giải nhất phần thi trà và đồ ăn kèm, giải nhì phần thi thử nếm trà.
“Hiên trà Nhị Độ Mai” của Thanh Nhị nằm trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thiện Thuật, thuộc Thành nội Huế. Chị cho hay, tên của hiên trà không chỉ gắn với kỷ niệm về vườn mai của gia đình, nơi ông ngoại thường ngồi dưới hiên trà mùa xuân thưởng trà hoa mai và ngắm mai vàng nở rộ, mà còn được lấy cảm hứng từ truyện Nôm Nhị Độ Mai. Trong tác phẩm này, việc hoa mai nở lại lần thứ hai là một phần thưởng, điềm lành từ trời đất dành cho người có phẩm chất trung, hiếu, tiết, nghĩa.
Nghệ nhân Thanh Nhị là cháu gọi thượng thư Phạm Xứng, nhạc phụ vua Đồng Khánh, là cố ngoại. Thanh Nhị chia sẻ: “Nhà chúng tôi có khu vườn rất đẹp. Khu vườn đó vốn là đất vua Đồng Khánh ban cho cố tôi là quan thượng thư Phạm Xứng khi ngài về quê hưu trí. Vì ngài không có con trai nên ông ngoại tôi (là con rể của ngài) được thừa hưởng mảnh đất đó làm nơi sinh sống và thờ tự. Trong vườn nhiều hoa thược dược, lay ơn, đồng tiền, xác pháo, hồng bạch, hồng nhung, cúc trắng, cúc vàng, vạn thọ, quỳnh… và đặc biệt là vườn mai bên hiên trà của ông ngoại”.
Nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị
BÍ QUYẾT LUYỆN TRÀ
Đam mê nghiên cứu về trà, nghệ nhân Thanh Nhị nắm giữ được bí quyết luyện hương hoa vào trà truyền thống, trong đó đặc biệt dòng trà mai-mộc-sen xứ Huế.
“Trà luyện hương chủ yếu sử dụng chất liệu trà Shan tuyết đại cổ thụ và được luyện hương (nghĩa là vào hương nhiều lần) bằng 100% hoa tươi tự nhiên. Quá trình vào hương trà được lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến cho hương trà được thấm sâu vào từng tế bào trà, hương và vị trà được hợp nhất với hương và vị hoa. Cách làm này sẽ khác với cách ủ, ướp, dệt hương hoa. Lúc uống trà sẽ “nghe” rõ vị hương trà và thoảng lên hương hoa, uống tầm 3 – 5 nước hương sẽ phai dần. Còn luyện hương trà thì dụng ý là làm trà và hoa hợp nhất nên hương sẽ rất bền, đến mức khi trà đã hết vị thì hương hoa vẫn còn dai dẳng. Hương vẫn đượm sau 10 lần pha. Để luyện hương cho trà, chúng tôi sử dụng các nguồn hoa tươi hữu cơ, trồng thuận tự nhiên như mộc quế, hoàng mai, bạch liên ở các nhà vườn, hồ đầm Huế”, Thanh Nhị chia sẻ.
Bất cứ tiết nào trong năm, ngồi ở hiên trà Nhị Độ Mai, thưởng thức chén trà hoa mai do nghệ nhân Thanh Nhị luyện hương bằng kỹ thuật truyền thống gia đình được chị nghiên cứu bảo tồn, người thưởng trà như đang ngồi giữa vườn mai nồng đượm ngày xuân.
Đưa cốc trà chầm chậm lên môi, hương mai lan tỏa nồng nàn trong vị ngọt hậu thanh đượm của trà Shan tuyết cổ thụ. Bên cạnh trà hoa mai, có thêm các loại trà Huế như trà sen, trà mộc, trà cúc… cũng được Thanh Nhị luyện hương để phục vụ khách thưởng trà.