Sáng 8/5, Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức cuộc họp về tình hình, kết quả kinh tế – xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5/2025. Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố là Võ Văn Hoan, Bùi Xuân Cường và Nguyễn Văn Dũng đồng chủ trì phiên họp.
Tại buổi họp, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết tình hình kinh tế – xã hội Thành phố tháng 4, 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, các chỉ tiêu đều đạt tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
DU LỊCH VÀ TIÊU DÙNG TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG NHỜ CHUỖI SỰ KIẾN LỚN
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, trong tháng 4, tổng thu du lịch ước đạt 19.919 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2024. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024 của Thành phố vươn lên vị trí 21, tăng 12 bậc so với năm trước.
“Thành tích này là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Thành phố”, bà Mai cho biết.

Theo thống kê từ Chi Cục Thống kê TP.HCM trước đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 17,9% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 444.885 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Nhiều sự kiện lớn được tổ chức, lượng du khách đến Thành phố tham gia, nghỉ dưỡng tăng mạnh kéo theo đó là lưu lượng giao thông tăng đột biến so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu vận tải tăng 19,4% so với cùng kỳ, trong đó vận tải hành khách tăng 58,9%.
“Sức mua trên địa bàn sôi động, tăng cao trong tháng 4 khi các chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước được triển khai với quy mô lớn, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và du khách. Các đơn vị kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu, thu hút người tiêu dùng”, Chi Cục Thống kê Thành phố nhận định.

Bên cạnh đó, Chi Cục Thống kê Thành phố cho biết sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục tăng trưởng khi các doanh nghiệp chủ động đẩy nhanh tiến độ sản xuất trước 90 ngày so với lịch đặt hàng nhằm hạn chế rủi ro, chi phí và thuế quan bất lợi.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ, đây là mức sản xuất cao nhất trong 4 năm qua.
ĐẦU TƯ CÔNG ĐƯỢC ĐẨY MẠNH
Chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố khởi công và khánh thành nhiều công trình trọng điểm góp phần mang lại diện mạo mới, nâng cao hạ tầng giao thông và chất lượng sống của người dân Thành phố
Số liệu từ Chi Cục Thống kê Thành phố cho thấy vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do Thành phố quản lý tháng 4/2025 ước thực hiện đạt 3.951,1 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 3.750,9 tỷ đồng, tăng 12,6% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện quản lý ước thực hiện 200,2 tỷ đồng, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 250,3% so với cùng kỳ (do vốn ngân sách cấp huyện năm 2025 gấp 9,9 lần so với năm 2024).
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do Thành phố quản lý ước thực hiện đạt 11.905,1 tỷ đồng, đạt 14,1% Kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 11.158,4 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện quản lý ước thực hiện 746,7 tỷ đồng, tăng 246,5%. Tính đến ngày 25/4/2025, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 5.828,4 tỷ đồng, đạt 6,9% so với Kế hoạch vốn năm 2025.

Trong tháng 4 năm 2025, Thành phố khánh thành nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như: Nhà ga hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đoạn nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và khởi công dự án khép kín Vành đai 2 TP.HCM, gói thầu XL-03 dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Dù vậy, theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, vẫn còn một số khó khăn. Đơn cử, trước những biến động khó lường của thương mại quốc tế và từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, một số doanh nghiệp thành phố có thị trường xuất khẩu chính ở Mỹ bị tác động, ảnh hưởng nhất định trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Theo Chi Cục Thống kê TP.HCM, môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 23,5% và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 7,7% so với cùng kỳ. Từ ngày 01/01/2025 đến ngày 20/4/2025, Thành phố cấp phép 10.375 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 61.484 tỷ đồng, giảm 34,6% về giấy phép và giảm 52,3% về vốn so với cùng kỳ.
Tại buổi họp, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, nhận xét tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 có nhiều kết quả tích cực, đặc biệt, doanh thu du lịch, nhờ lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.
Tuy nhiên, TS. Trương Minh Huy Vũ kiến nghị cần tiếp tục phân tích kỹ các vấn đề liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư.
Trong bối cảnh TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu chuẩn bị hợp nhất, TP.HCM cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đón làn sóng đầu tư, kinh doanh. Trong đó, cần chú trọng đến đầu tư công để dẫn dắt, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thành các dự án cụ thể.