TP.HCM cần 960.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông đến năm 2030
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố cần 960.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.
Trong phiên thảo luận tại hội trường của Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM diễn ra vào chiều nay (ngày 11/7), ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố đã dành thời gian chia sẻ các vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Đề cập đến nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông của Thành phố, ông Mãi cho biết dự kiến từ nay đến năm 2030, Thành phố cần hơn 960.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông. Nhu cầu vốn lớn song ngân sách của Thành phố khó để đáp ứng đủ mà cần kết hợp đầu tư công và phát huy nguồn vốn xã hội qua hình thức PPP mà Nghị quyết 98 đã cho cơ chế.
Do đó, ông cho biết sẽ khai thác tốt những cơ chế có trong Nghị quyết 98 để phát huy nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. |
Về kinh tế giao thông, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận phát triển hạ tầng giao thông phải đi liền với hình thành hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ, logictics, du lịch. Trên cơ sở đó, mô hình TOD là sự tập trung tiêu biểu của kinh tế giao thông mà muốn làm được mô hình này thì điều kiện tiên quyết là đảm bảo quy hoạch. Hiện Nghị quyết 98 được ban hành trong thời kỳ Thành phố đang rà soát quy hoạch, đây là cơ hội để Thành phố hiện thực các mục tiêu trên.
Liên quan đến những vấn đề trên, trong phiên giải trình sáng nay, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Thành phố cho rằng kinh tế giao thông là khái niệm mới. Và kinh tế giao thông là dùng giao thông kích thích sự phát triển kinh tế của khu vực và ngược lại, khi đầu tư thì có ngay nguồn khai thác thực tiễn.
Ông Lâm cho biết, sau quá trình làm việc với các đơn vị tư vấn thì Thành phố đang học tập và triển khai kinh tế giao thông. Ví dụ đối với dự án rạch Xuyên Tâm hay kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, Thành phố đang chỉ đạo tổ nghiên cứu rà soát quy hoạch dọc theo 2 bên sông để nghiên cứu điều chỉnh, phát huy hiệu quả, tạo thêm quỹ đất dọc theo tuyến đường ven sông, ven kênh rạch, vừa tạo cảnh quan vừa tạo không gian.
Cao hơn, Thành phố cũng đã thành lập tổ nghiên cứu phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), theo đó sẽ nghiên cứu quy hoạch xung quanh các nút giao của tuyến Vành đai 3 và các tuyến giao thông khác cùng quy hoạch xung quanh các nhà ga của các tuyến Metro.
Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, ông Lâm cho biết Thành phố vừa đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ, cho thấy nguồn lực dành cho giao thông so với kế hoạch thực hiện chỉ đạt 30%, đó là nguyên nhân thực hiện các dự án chậm, thực hiện quy hoạch giao thông chậm.
Ngoài ra, một số dự án có nguồn lực nhưng triển khai thực hiện không đạt tiến độ. HĐND Thành phố đã có nhiều phiên giám sát các dự án và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư.
Để giải quyết các vấn đề này, ông Lâm cho biết trong Nghị quyết 98 có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Ví dụ, đầu tư dự án theo hình thức BT – thanh toán bằng tiền (trước đây BT thanh toán bằng đất). Ngoài ra, từ nay về sau, Thành phố sẽ thực hiện các dự án theo tinh thần và bài học từ Vành đai 3 để đẩy nhanh dự án.
Theo ông, mặc dù đến giờ này, các doanh nghiệp tại Thành phố vẫn còn rất khó khăn, do đó Thành phố sẽ rất tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quý III, hoàn thành đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lãi vay…
Người đứng đầu chính quyền Thành phố cũng nhìn nhận tình hình thu ngân sách của Thành phố tháng 6 giảm so với tháng 5 và các tháng trước đó, tuy nhiên Thành phố sẽ cố gắng giữ được mức thu dự kiến theo kế hoạch.
“Chúng ta quyết tâm thu cho đúng, không bỏ sót, làm sao quản lý cho được doanh nghiệp trốn thuế nhưng không lạm thu, phải gắn hoàn thuế đối với các trường hợp đã rõ để có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Mãi nhấn mạnh.