Đường vành đai 4 qua Hưng Yên: Tỉnh đã bồi thường, thu hồi, bàn giao mặt bằng trên 78%
Diện tích đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) đã rà soát, quy chủ đạt tỷ lệ 80,9% và số kinh phí đã bồi thường, hỗ trợ cho người dân Hưng Yên đạt gần 743 tỷ đồng.
Vừa qua, tại trụ sở Tỉnh ủy Hưng Yên đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả giải phóng mặt bằng (GPMB) và quán triệt thực hiện đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội được UBND tỉnh phê duyệt dự án thành phần 1.2 tại Quyết định số 1239/QĐ-UBND ngày 7/6/2023 và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 23/6/2023. Đến nay, đang triển khai thực hiện các bước lựa chọn các nhà thầu khảo sát, thi công và giám sát công tác rà phá bom, mìn, vật nổ; lựa chọn nhà thầu tư vấn quản lý dự án hạng mục: Di dời hệ thống điện 110kV, 220kV, 500kV trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Cuộc họp của tổ công tác thực hiện dự án Vành đai 4 tỉnh Hưng Yên đánh giá kết quả thực hiện và đẩy nhanh tiến độ dự án. Ảnh: Phạm Đăng |
Tính đến ngày 30/6/2023, diện tích đất trong phạm vi GPMB đã rà soát, quy chủ đạt 186,9/230,9 ha chiếm tỷ lệ 80,9% ; diện tích đất trong phạm vi GPMB đã ban hành thông báo thu hồi đất và tổ chức kiểm đếm đạt 163,9/230,9 ha chiếm tỷ lệ 71% ; diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư đạt 149,6/190,9ha chiếm tỷ lệ 78,3%. Trong đó, đã trừ diện tích đất giao thông, thủy lợi khoảng 40 ha; số kinh phí đã bồi thường, hỗ trợ cho người dân đạt gần 743 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã chấp thuận vị trí xây dựng các khu tái định cư, cải tạo mở rộng nghĩa trang tại các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ. Hiện nay, các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ đang tổ chức triển khai thực hiện lập quy hoạch xây dựng các khu tái định cư, cải tạo, mở rộng nghĩa trang và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Đường vành đai 4 được kỳ vọng tăng cường liên kết vùng và phát triển kinh tế – xã hội. |
Đối với dự án thành phần 2.2, ngày 1/6/2023, UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND. Ngày 12/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1266/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án thành phần 2.2, Sở Giao thông vận tải đang tổ chức triển khai công tác lựa chọn các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra bước bản vẽ thi công, dự toán công trình.
Dự kiến đến ngày 31/12/2023 Tỉnh sẽ hoàn thành GPMB diện tích đất nông nghiệp còn lại (khoảng 6,57 ha); khoảng 14,3ha đất ở, khoảng 10,8ha đất doanh nghiệp; di chuyển khoảng 4,3 nghìn ngôi mộ…
Tại hội nghị, các ban ngành và địa phương báo cáo tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên ghi nhận những nỗ lực của các sở, ngành trong việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ thô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh trong thời gian qua. Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tập trung hoàn thành việc GPMB phần diện tích còn lại một cách nhanh nhất; đồng thời triển khai dự án thành phần 2.2 theo đúng kế hoạch đề ra.UBND tỉnh sớm có báo cáo, đề xuất Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 1.2.
Các ngành, địa phương quản lý chặt chẽ diện tích đã GPMB, tránh trường hợp tái lấn chiếm. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án trong thời gian nhanh nhất; tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời rà soát, điều chỉnh những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai. Dự kiến, đến ngày 30/9/2023 sẽ khởi công xây dựng dự án thành phần 2.2. Căn cứ vào kế hoạch tiến độ đề ra, các ngành, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của dự án. Thực hiện công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng dự án. Tập trung hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, mở rộng, cải tạo nghĩa trang trước ngày 30/10/2023. Ban hành mức giá đất, hệ số điều chỉnh mức giá đất, bảo đảm nguồn cung vật liệu cho việc triển khai xây dựng dự án thành phần 2.2.
UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn các địa phương các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện GPMB. Có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp tham gia trực tiếp vào công tác GPMB… Trong quá trình triển khai cần linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm việc triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu tiến độ… để đến ngày 31/12/2023, Hưng Yên sẽ hoàn thành GPMB 100% diện tích đất của dự án.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương giữa Hà Nội với các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Dự án vành đai 4 – vùng thủ đô có tổng chiều dài 112,8km gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối. Điểm đầu tại km3+695 nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long. Dự án qua địa phận Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3km), Bắc Ninh (25,6km) và tuyến nối (9,7km). Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng từ 90m đến 135m; trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135m. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.