Thúc Dự án đường dây 500 kV đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa
Đây là dự án cấp bách nhằm đảm bảo điện miền Bắc trong những năm tới. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia giao nhiệm vụ quản lý điều hành dự án.
Chờ được phê duyệt Chủ trương đầu tư
Hiện nay hồ sơ các dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được phê duyệt Chủ trương đầu tư nên có nguy cơ chậm trễ so với tiến độ đưa vào vận hành năm 2025.
Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao nhiệm vụ quản lý điều hành dự án. Theo đề án thì các dự án trên phải hoàn thành đóng điện năm 2025 để truyền tải công suất từ khu vực Bắc Trung bộ – Bắc bộ nhằm cung cấp kịp thời lượng điện năng cho miền Bắc giai đoạn 2025-2030.
Dự án có quy mô 2 mạch, dài khoảng 316,7 km, là công trình nhóm A, cấp đặc biệt đi qua 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, địa điểm xây dựng có địa hình phức tạp và chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết bất lợi.
CPMB bàn về triển khai Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa |
Thời gian thực hiện dự án có quy mô tương tự là khoảng 50 tháng kể từ khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (chưa xét đến rủi ro trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng).
Mặt khác, việc thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi sử dụng đất rừng để xây dựng dự án là rất dài, thời gian thực hiện công tác này thông thường nếu thuận lợi khoảng từ 10 tháng đến 18 tháng.
Hiện nay, dự án vẫn chưa được phê duyệt Chủ trương đầu tư nên có nguy cơ chậm trễ so với tiến độ đưa vào vận hành năm 2025.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều thay đổi về các quy định của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, dẫn đến những khó khăn vướng mắc đối với chủ đầu tư khi triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án điện.
Theo các quy định của các văn bản pháp luật mới ban hành (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật) thì trình tự, thủ tục và thời gian triển khai công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài và qua nhiều cấp trình duyệt.
Giải phóng mặt bằng vẫn là thách thức
Việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp trong bối cảnh quy hoạch của các địa phương còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, cơ chế chính sách trong đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án điện.
Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để hoàn thành mục tiêu dự án, UBND các tỉnh có dự án đi qua cần chỉ đạo UBND các quận, huyện sớm tham mưu trình Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho dự án.
Đồng thời, có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện quản lý tốt đất đai tại khu vực đất đã được UBND tỉnh có văn bản thỏa thuận tuyến và có kế hoạch sử dụng đất, tránh việc xây dựng mới nhà cửa trong khu vực dự án làm gia tăng giá trị bồi thường và phức tạp tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương khi dự án triển khai.
UBND các tỉnh xin chủ trương của Chính phủ thống nhất chủ trương chuyển đổi đất rừng các loại sang đất xây dựng dự án. Sau khi chủ đầu tư hoàn tất nghĩa vụ trồng rừng theo quyết định của UBND các tỉnh, cho phép chủ đầu tư triển khai thi công trước các vị trí móng qua rừng, song song với việc hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp theo quy định. Giao UBND các địa phương đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất trên.
Các địa phương chủ trì, hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các công việc khác nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án. Hỗ trợ thực hiện công tác BTGPMB sau khi có chủ trương đầu tư được duyệt và hồ sơ đo vẽ.
Sau khi lập xong phương án bồi thường phần móng trụ hoặc hành lang tuyến để trình các cấp thẩm định, phê duyệt, cho phép chủ đầu tư tạm ứng chi trả tiền trước cho các tổ chức, cá nhân và tổ chức thi công.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu đảm bảo tiêu chí N-1, đặc biệt làm đảm bảo truyền tải điện cho miền Bắc đang rất căng thẳng về nguồn điện như hiện nay.
Dự án nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc-Trung, kết hợp với các cung đoạn đường dây 500 kV Vũng Áng-Quảng Trạch-Dốc Sỏi-Pleiku2 và đường dây 500 kV Thanh Hóa-Nam Định 1-Phố Nối để khép kín tuyến đường dây 500 kV mạch 3 góp phần tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện, là cơ sở quan trọng để đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và tối ưu cho hệ thống an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giảm chi phí vận hành phục vụ phát triển kinh tế xã hội, …
Ngoài ra còn truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung Bộ vào hệ thống điện Quốc gia.
Với thời gian còn lại khoảng 30 tháng trong khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án chưa được phê duyệt, để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ ông Nguyễn Đức Tuyển yêu cầu các phòng chức năng của CPMB cần đề xuất các cơ chế phù hợp để kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có dự án đi qua, EVN và EVNNPT triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trong đó kiến nghị EVN và EVNNPT thành lập Ban chỉ đạo công trình cấp bách để chỉ đạo và hỗ trợ CPMB thực hiện dự án. Đối với CPMB sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do Giám đốc làm Trưởng ban và 2 Ban điều hành tại các tỉnh và các Ban tiền phương thường trực để theo dõi, đôn đốc tiến độ dự án.