Năm 2024, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Thụy Điển, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1969-2024). Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nối, xúc tiến thương mại và đầu tư, các cơ quan của Chính phủ cũng như doanh nghiệp của hai nước đang tìm kiếm các cơ hội để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên, đưa hợp tác giữa hai nền kinh tế đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
NHIỀU LĨNH VỰC TỪ VINNOVA CÓ THỂ HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM
Mới đây, trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân, ngài Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen đã chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam những năm qua và khẳng định Thụy Điển sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam.
Để hiện thực hoá sự sẵn sàng đó, nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo đã được tổ chức tại Thụy Điển và Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Điển tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật, cơ hội đầu tư, hợp tác thương mại trong nhiều lĩnh vực. Cũng như các doanh nghiệp Thụy Điển, các tổ chức của Chính phủ như: Cơ quan hệ thống đổi mới của Chính phủ Thụy Điển (VINNOVA – Verket för Innovationssystem) chuyên về đổi mới và phát triển hay Business Sweden đều là những cơ quan đang tích cực giới thiệu những thế mạnh trong từng lĩnh vực nghiên cứu của mình để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam một cách thực chất, thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế Thụy Điển- Việt Nam.
VINNOVA cung cấp tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ, giao thông, truyền thông đến lao động; khuyến khích sự hợp tác giữa các công ty, trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực công; tạo ra các môi trường nghiên cứu và đổi mới mạnh mẽ, đồng thời phát triển các nền tảng hợp tác để thúc đẩy sự đổi mới. Đặc biệt, VINNOVA rất chú trọng đến việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả và tác động của các dự án nghiên cứu và đổi mới.
Ông Lars Friberg, Giám đốc chương trình hợp tác quốc tế của VINNOVA, cho biết Chính phủ Thụy Điển rất coi trọng sự đổi mới nhưng theo một nghĩa rộng hơn, không chỉ phát triển công nghệ mà còn chú ý phát triển các mô hình kinh doanh.
Ví dụ như mô hình hợp tác “Triple Helix” là rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững. Mô hình này là sự hợp tác giữa ba chủ thể chính: Học viện (đại học), doanh nghiệp và Chính phủ. Đặc biệt, VINNOVA rất quan tâm đến công nghệ xanh và cả vấn đề tái chế (kinh tế tuần hoàn). Sự quan tâm này nhằm phi carbon hóa nền kinh tế, phát triển kinh tế bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo chứ không sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Kinh nghiệm từ VINNOVA cho thấy sự đổi mới công nghệ là rất quan trọng nhưng phải biến nó thành một mô hình kinh doanh vừa có lợi nhuận vừa phải an toàn cho môi trường, không gây ô nhiễm. Tái chế hàng dệt may có thể đắt hơn mua bông nguyên sinh, nhưng sản xuất bông nguyên sinh lại đẻ ra nhiều vấn đề môi trường và ô nhiễm nước. Đó là thách thức lớn cần giải quyết bằng việc đổi mới công nghệ.
THÚC ĐẨY QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM- THỤY ĐIỂN
Business Sweden là một tổ chức quan trọng của Chính phủ Thụy Điển, họ hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu của Thụy Điển cũng như thu hút đầu tư vào Thụy Điển. Lâu nay, Business Sweden đã cung cấp thông tin, tư vấn và đào tạo cho các công ty Thụy Điển về xuất khẩu. Đồng thời, họ cũng thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các công ty quốc tế đầu tư vào Thụy Điển và cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược và hỗ trợ hoạt động để giúp các công ty Thụy Điển tăng doanh số bán hàng toàn cầu.
Với khoảng 500 nhân viên, Business Sweden đã đặt trụ sở ở nhiều quốc gia khác nhau. Theo bà Emma Borm, Giám đốc khu vực Nam Á và vùng Đông Nam Á của Business Sweden, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng, quy mô dân số lớn gấp 10 lần Thụy Điển và là một nước có nền kinh tế đang phát triển. Business Sweden có mặt ở Việt Nam từ năm 1999, văn phòng chính đặt tại Hà Nội và một văn phòng nhỏ hơn tại Thành phố Hồ Chí Minh, để hỗ trợ các doanh nghiệp Thụy Điển thiết lập mạng lưới kinh doanh tại đây.
Bà Emma Borm cho biết hiện có khoảng 70 công ty liên quan đến Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó có những tên tuổi lớn như: ABB, AstraZeneca, Atlas Copco, Electrolux, Ericsson, IKEA, SKF, Volvo và mới đây Công ty Syre đang dự kiến lựa chọn Việt Nam làm địa điểm cho nhà máy tái chế Polyester công suất 250.000 tấn, với mức đầu tư từ 500 triệu đến 1 tỷ USD. Nhà máy này sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm dệt may tuần hoàn toàn cầu, tạo việc làm, phát triển hệ sinh thái quản lý rác thải, và tăng cường hoạt động vận chuyển, phân loại dệt may.
Trong thời gian tới, các lĩnh vực thế mạnh của Thụy Điển như năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng, vận tải, logistic, lĩnh vực an toàn đường bộ (túi khí cho xe máy) có nhiều cơ hội để hợp tác với Việt Nam. Theo Business Sweden, năm 2024 quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam – Thụy Điển tăng trưởng khá mạnh. Bởi kinh tế Thụy Điển đã khởi sắc hơn với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 1 và quý 2/2024 lần lượt ở mức 0,7% và 0% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển đạt 185,10 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ba mặt hàng Việt Nam nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 32,35%); Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 28,51%) và Giấy các loại (chiếm tỷ trọng 10,03%). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thuỵ Điển có kim ngạch cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 36,90%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 9,51%) và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 9,14%). Tuy nhiên, các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam là hàng nông sản lại chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu này.
Có thể thấy, Việt Nam đang trong quá trình phát triển với cam kết về giảm phát thải. Với việc tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực công bố tại COP28 với mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu. Đây là những cơ hội rất tiềm năng cho sự hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Thụy Điển trong chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững.