Theo Bộ Công Thương, hiện nay hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 thương vụ và chi nhánh thương vụ. Khu vực châu Á-châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh (kể cả 2 thương vụ là Iraq và Liban chưa triển khai). Khu vực châu Âu-châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh.
Ngoài ra có 1 Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Về hoạt động chuyên môn, hệ thống thương vụ đã bảo đảm thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế-thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ Thương mại song phương phù hợp.
NỖ LỰC THỰC HIỆN TỐT CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Các thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: “Chính phủ và các cơ quan liên quan đang thúc đẩy để tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp SME vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp SME.”
Các thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều thương vụ đã chủ trì và phối hợp các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại – đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.
Trong buổi gặp mặt mới đây với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan thương vụ cần đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, cảnh báo sớm, sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cam kết trong các hiệp định FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác để phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, công nghệ quản trị mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH TỪ THƯƠNG VỤ
Chuỗi hội thảo: “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập kinh tế quốc tế”, do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh – ngày 26/12; tại Đà Nẵng ngày 28/12 và tại Hà Nội ngày 30/12. Đây là dự án nhằm triển khai cụ thể và thiết thực trong công tác ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao. Chương trình được Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ: “Thời gian gần đây Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ liên tục nhận được đề xuất nhờ giúp đỡ vì doanh nghiệp Việt bị lừa đảo, đối tác tại Hoa Kỳ phá sản, không đòi được tiền. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan tại Hoa Kỳ để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay biên chế nhân sự tại thương vụ Hoa Kỳ rất ít người.
Tại hội thảo, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng bên cạnh việc các doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế thì cũng cần có sự giúp đỡ của Nhà nước ở tầm quốc gia.
Giống như trong lĩnh vực du lịch đã có những chiến dịch quảng bá hình ảnh Việt Nam trên những kênh truyền hình nổi tiếng như CNN, ngành gỗ cũng cần có những chiến dịch quảng bá ở quy mô tương tự, khi đây là một nhóm hàng xuất khẩu lớn với kim ngạch mỗi năm lên đến 17-18 tỷ USD.
Ngoài việc đẩy mạnh quảng bá ra nước ngoài, ông Hoài cho biết các doanh nghiệp cũng mong muốn được các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại, thông qua việc hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia hội chợ quốc tế, cũng như khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài tham gia những hội chợ ngành gỗ được tổ chức hàng năm trong nước.
“Ngay cả những quan tâm rất nhỏ của cơ quan đại diện cũng có thể “cứu” doanh nghiệp. Những đơn hàng riêng lẻ được ký kết với những đối tác nước ngoài có thể trở thành mối quan hệ hợp tác lâu dài, đem lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp”, ông Hoài cho biết.
Ở góc nhìn của những doanh nghiệp nhỏ, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết đa số doanh nghiệp ngành hồ tiêu, gia vị đều có xuất phát điểm là những công ty gia đình với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nhờ sự bền bỉ, khắc phục khó khăn và luôn tìm đường ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ trong ngành lại đạt những thành quả không nhỏ. Năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt kỷ lục trên 1 tỷ USD.
Bà Liên đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ chính sách bền vững, quảng bá tuyên truyền xây dựng thương hiệu tốt hơn. Ngoài ra, nên mở rộng đối tượng cho các chuyến đi xúc tiến thương mại, nên mời cả những doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ…
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản hiện có nhiều đại diện của các bộ, ngành. Hiện, Đại sứ quán đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhật Bản là đất nước rất khắt khe trong các quy định nhập khẩu hàng hóa, vì vậy, để việc hỗ trợ doanh nghiệp thật sự hiệu quả, Thương vụ cần biết chính xác doanh nghiệp có nhu cầu thế nào, muốn được hỗ trợ điều gì thì mới dễ tư vấn.
Ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản: Nhật Bản là đất nước rất khắt khe trong các quy định nhập khẩu hàng hóa, vì vậy, để việc hỗ trợ doanh nghiệp thật sự hiệu quả, Thương vụ cần biết doanh nghiệp đang có nhu cầu gì, muốn được hỗ trợ gì thì mới dễ tư vấn…
Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Texas, Hoa Kỳ), cho rằng hiện nay đại đa số các cán bộ thương vụ đều rất có nhiều thông tin về thị trường nước sở tại. Tuy nhiên, các cán bộ thương vụ không phải chuyên gia về pháp lý xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, nên để các đơn vị chuyên nghiệp tư vấn cho doanh nghiệp về các quy định liên quan đến pháp lý xuất nhập khẩu. Cán bộ thương vụ nên là người xúc tiến, kết nối… chứ không nên thực hiện công việc tư vấn về xuất nhập khẩu hoặc pháp lý.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên toàn cầu và lớn nhất trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục có cơ hội để mở rộng hoạt động tại Mỹ. Theo đó, hàng hóa Việt Nam chỉ mang tính chất bổ trợ chứ không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước của Mỹ, là điều kiện phù hợp để tiêu dùng Mỹ tiếp cận hàng hóa Việt Nam với chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện và giá cả cạnh tranh.
Số liệu cho thấy thị trường bán buôn, bán lẻ tại Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng, lượng hàng tồn kho tại Mỹ giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2024, trong đó có những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Ngoài các sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được các nhà bán lẻ và nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đón nhận.
Thời gian gần đây Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ liên tục nhận được đề xuất nhờ giúp đỡ vì có khá nhiều doanh nghiệp Việt bị lừa đảo và các đối tác tại Hoa Kỳ phá sản, không đòi được tiền. Cơ quan thương vụ tại Hoa Kỳ đã phối hợp với các cơ quan tại Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay “biên chế” nhân sự tại thương vụ Hoa Kỳ rất neo người. Ông Hưng ví von: “Chúng tôi đang phải đảm trách khá nhiều nhiệm vụ, giống như “vừa xay lúa, vừa bế em”. Vì vậy, để hỗ trợ được doanh nghiệp tốt nhất, cơ quan thương vụ cần biết chính xác doanh nghiệp đang gặp khó ở mảng nào…”.
Ông Hưng cũng tư vấn thêm rằng doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng khi làm việc với các đối tác nước ngoài. Theo đó, nếu trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ nguồn lực thì có thể làm việc trực tiếp với các cơ quan đại diện ngoại giao để tiến hành xác minh thông tin pháp lý và điều kiện tài chính của các đối tác nước ngoài trước khi thực hiện giao dịch.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 01-2025 phát hành ngày 06/01/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại :
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam