Nghị quyết cho huyện nghèo
Mường Lát nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 250km về phía Tây, giáp với nước bạn Lào. Do địa hình toàn đồi núi cao, đất đai kém màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt, nên những năm qua Mường Lát vẫn quẩn quanh trong cái nghèo.
Với quyết tâm từng bước đưa Mường Lát thoát nghèo, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11 về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một Nghị quyết đặc thù mà Tỉnh ủy Thanh Hóa dành riêng cho Mường Lát.
Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cho từng giai đoạn. Song song với đó là các cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ, giải pháp có tính chất dài hơi. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển huyện Mường Lát để trực tiếp chỉ đạo sâu sát, kịp thời, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển huyện đến năm 2030.
Nghị quyết 11 xác định: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng giữ ở mức 77%… Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu…
Mục tiêu đến năm 2045, kinh tế – xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Ngay khi Nghị quyết được triển khai, huyện Mường Lát đã nhanh chóng bắt tay vào công việc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân với nhiều hình thức phong phú, qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa”; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhiều mô hình hiệu quả
Qua 2 năm triển khai Nghị quyết, đến nay, Mường Lát đã chuyển mình mạnh mẽ, đạt được những thành quả nhất định, nhiều mục tiêu đề ra đã đạt và vượt kế hoạch.
Theo đó, kinh tế của huyện có bước phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2024 ước đạt 3,24%. Sản xuất nông nghiệp có sự đổi mới rõ nét, tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm ước đạt 14.185 tấn; giá trị sản xuất bình quân ước đạt 50 triệu đồng/ha; tỉ lệ che phủ rừng đạt 77,47%.
Trong đó, năm 2023, mô hình trồng cây sắn đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi, giúp nhiều hộ dân ở Mường Lát vươn lên thoát nghèo, có những hộ thu được 300 triệu đồng từ bán sắn. Riêng năm 2023, toàn huyện Mường Lát thu được hơn 100 tỷ đồng từ mô hình trồng sắn. Mường Lát cũng đã khoanh vùng, tích tụ các khu ruộng nước để thâm canh trồng lúa nước, tập trung phát triển thương hiệu sản phẩm lúa nếp Cay Nọi – sản phẩm OCOP 3 sao.
Ngoài cây sắn, lúa nước, Mường Lát cũng tập trung khoanh vùng trồng cây cam Lào, một giống cây hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho quả rất ngọt, mọng nước, có giá trị kinh tế. Chăn nuôi cũng đã hình thành nhiều mô hình hiệu quả, trong đó hướng người dân chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn cắp nách, các con đặc sản… là thế mạnh của địa phương.
Tạo sinh kế bền vững
Ông Lê Đức Giang – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp, chưa xác định được cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Hiệu quả kinh tế rừng thấp; quy mô sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế. Thu ngân sách trên địa bàn còn rất thấp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ. Mức thụ hưởng văn hóa, y tế, giáo dục còn thấp.
Ông Giang cho biết, sau khi hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết 11, huyện Mường Lát cần chủ động, tự lực, tự cường phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh. Cùng với đó, kế thừa, phát triển hiệu quả các thành quả đã đạt được, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực đã được xác định, tăng cường tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Về phía tỉnh Thanh Hóa, sẽ tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành và định hướng cho huyện Mường Lát kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được. Phấn đấu đưa huyện Mường Lát thoát nghèo và bắt kịp với tốc độ phát triển của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Lê Dương