Hầu hết “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước có doanh số tăng
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, tổng vốn sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018 (thời điểm các doanh nghiệp này được tách khỏi các Bộ, ngành và sắp xếp về Ủy ban).
Tổng doanh thu hợp nhất trong giai đoạn này đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2018. Đáng chú ý, tổng số tiền các doanh nghiệp nộp vào ngân sách Nhà nước giai đoạn 2018-2023 lên tới 1,28 triệu tỷ đồng, đóng góp bình quân từ 10-12% tổng thu ngân sách hàng năm của cả nước.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024 do Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước công bố gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận doanh thu tốt và lợi nhuận cao hơn so với năm trước.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), chẳng hạn, ước tính doanh thu đạt 21.466 tỷ đồng, tương đương 106% kế hoạch năm và tăng 8% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế của ACV ước đạt 11.981 tỷ đồng, hoàn thành 128% kế hoạch, tăng 35% so với năm trước, và nộp ngân sách nhà nước 4.489 tỷ đồng.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đạt kết quả tích cực với tổng doanh thu ước tính đạt 58.540 tỷ đồng trong năm 2024. Doanh thu riêng của Công ty mẹ đạt 41.995 tỷ đồng, hoàn thành 100,1% kế hoạch và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) ghi nhận doanh thu hợp nhất ước đạt 26.307 tỷ đồng, tương đương 105,2% kế hoạch năm và tăng 6,5% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn đạt 3.746 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch, cao hơn 11% so với năm trước. Đặc biệt, số tiền nộp ngân sách Nhà nước năm 2024 của VRG dự kiến đạt 6.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch tới 54%.
Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt hơn 35.000 tỷ đồng, hoàn thành 115% kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp ngân sách nhà nước của Vinataba đạt trên 15.500 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác như Vietnam Airlines có doanh thu và lợi nhuận cao. Theo báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Vietnam Airlines đạt doanh thu ước tính khoảng 113.600 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hơn 6.200 tỷ đồng, hoàn thành 138,5% kế hoạch, và số tiền nộp ngân sách đạt hơn 2.900 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Vietnam Airlines chấm dứt chuỗi thua lỗ kéo dài 4 năm, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), năm 2024 doanh thu ước đạt 17.496 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của VIMC trên 2.800 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm, nộp ngân sách 819 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh thu của VIMC tăng trên 36,7% so với doanh thu năm 2023 và lợi nhuận tăng 35,1% so với lợi nhuận so với năm ngoái của VIMC.
Hai doanh nghiệp lớn trong ngành giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
VNR đạt doanh thu hơn 9.556 tỷ đồng, vượt 6,2% kế hoạch năm, với lợi nhuận trước thuế ước tính trên 130 tỷ đồng và số tiền nộp ngân sách đạt 767 tỷ đồng, tương ứng 115,8% kế hoạch.
VEC cũng báo cáo doanh thu đạt 6.167 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 485 tỷ đồng và nộp ngân sách 680 tỷ đồng.
Bức tranh kinh doanh năm 2024 của hầu hết doanh nghiệp thuộc 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước quản lý tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Mặc dù một số doanh nghiệp lớn như PVN, EVN, TKV, Petrolimex, SCIC, VNPT, MobiFone vẫn chưa công bố chính thức tình hình kinh doanh, dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng cao. Đặc biệt, PVN nhiều khả năng sẽ ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp có doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Duy nhất trong số các doanh nghiệp lớn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được dự báo sẽ lỗ năm thứ 3 liên tiếp, với khoản lỗ ước tính hơn 22.000 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch chi phí giá điện.
Theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18/2017/NQ-TW, 19 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước (Siêu Ủy ban) sẽ được sắp xếp trở lại các bộ chuyên ngành.
Đáng chú ý, các tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ chuyển tổ chức đảng về trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Trước năm 2018, 19 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước thuộc sự quản lý trực tiếp của các bộ, ngành, với vai trò giám sát vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể:
- Bộ Công Thương quản lý 6 doanh nghiệp lớn:
- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
- Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
- Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)
- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
- Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV – Vinacomin)
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quản lý 5 doanh nghiệp:
- Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2)
- Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1)
- Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor)
- Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group)
- Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe)
- Bộ Giao thông Vận tải quản lý 5 doanh nghiệp lớn:
- Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)
- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)
- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)
- Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)
- Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)
- Bộ Tài chính quản lý Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
- Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý 2 doanh nghiệp:
- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
- Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone).