Theo Bộ Công Thương, hết năm 2024 ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt khoảng 800 tỷ USD, tăng 15%, vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Tuy nhiên, tỷ lệ xuất siêu năm nay chỉ đạt khoảng 25 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với năm 2023.
Chiều ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, cho biết ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.
Trong đó, ngành Công Thương tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với Luật Điện lực sửa đổi và nhiều chính sách mới, tái khởi động các dự án điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, năm 2024 các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào… Kỳ tích Đường dây 500 kV mạch 3 với hàng loạt kỷ lục, các dự án năng lượng trọng điểm ngành năng lượng là minh chứng cho điều này.
Về thương mại, theo thống kê sợ bộ, năm 2024 xuất nhập khẩu Việt Nam ước tính tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao, ước đạt 783 tỷ USD (trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD). Nền kinh tế ước xuất siêu khoảng 25 tỷ USD.
Số liệu tăng trưởng thương mại tuyệt đối của Việt Nam năm 2024 so với năm 2023 ước vượt 100 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu tăng hai con số đạt 13,6% so với cùng kỳ năm trước với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%).
Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho biết công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Cùng với đó, thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.
Đặc biệt, ngành Công Thương chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.