Từ góc nhìn bên ngoài Việt Nam, theo bà, những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt để cải thiện chất lượng giáo dục hiện nay là gì?
Tôi nhận thấy Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn lớn trong việc cải thiện chất lượng giáo dục.
Trước hết, có thể nhìn thấy ngay là sự chênh lệch khá lớn giữa quyết tâm phổ cập giáo dục và chất lượng giáo dục theo vùng miền (giữa thành thị và nông thôn) từ chất lượng giáo viên đến cơ sở hạ tầng giáo dục… Hơn nữa, có một tồn tại đáng tiếc giữa chất lượng và thời lượng học tập, áp lực học tập quá lớn nhưng hiệu quả học tập và áp dụng trong thực tế chưa cao. Điều này có thể thấy ở tất cả các cấp giáo dục và đào tạo khi so sánh với quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những cơ hội và tiềm năng để nâng cao chất lượng giáo dục. Lợi thế của Việt Nam là nước hiếu học, người Việt chăm và chịu khó học và cũng rất nhanh nhạy với những đổi mới hay ứng dụng công nghệ trong đào tạo. Dẫu vậy, lợi thế này mới chỉ ở mức tự phát hay theo phong trào chứ chưa được tổ chức với tầm vĩ mô và lâu dài.
Việt Nam cần làm gì để vượt qua những khó khăn này để tiến tới có một nền giáo dục chất lượng và hiện đại, thưa bà?
Theo tôi, với những lợi thế kể trên, Việt Nam cần đưa các yếu tố này vào chính sách giáo dục đào tạo; trong đó, tập trung áp dụng thực tế nhiều hơn từ cấp độ phổ thông đến cấp độ đại học. Điều này có nghĩa rằng các chương trình giáo dục đào tạo cần chú trọng đào tạo nghề nhiều hơn để nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Đào tạo nghề bao gồm cả lý thuyết kiến thức cơ bản lẫn các kỹ năng và các kiến thức thực hành. Như thế, khi hội nhập hay trao đổi với các tiêu chuẩn, chương trình giáo dục quốc tế, hình thức đào tạo đa phương tiện,… học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ không quá bỡ ngỡ hay khó khăn.
Với xu hướng phát triển mới trong tương lai, bà có khuyến nghị hay đề xuất gì cho Việt Nam?
Để tối ưu hóa cơ hội giáo dục đào tạo thực tế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các tổ chức giáo dục, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện, hiệu quả hơn và hợp lý cho từng khối, khu vực và đối tượng học tập.
Theo đó, tôi cho rằng Việt Nam có thể tập trung vào 3 mô hình đào tạo.
Thứ nhất, chương trình vừa học vừa làm. Chương trình kết hợp một cách có hệ thống việc học trong công ty với việc học ở trung tâm đào tạo và được điều chỉnh bởi hợp đồng học nghề (hoặc việc làm) với trách nhiệm được chia sẻ rõ ràng giữa ba bên (người học, nhà trường, công ty).
Theo đó, người học nghề được liên kết theo hợp đồng với người sử dụng lao động và nhận thù lao (tiền lương hoặc phụ cấp). Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm cung cấp cho học viên chương trình đào tạo dẫn đến một nghề nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình, người học nghề có được bằng cấp nghề nghiệp được công nhận (trên toàn quốc).
Tùy thuộc vào quốc gia và tình trạng áp dụng, người tham gia có thể được liên kết theo hợp đồng với người sử dụng lao động và/hoặc nhận thù lao. Họ có thể được coi là sinh viên hoặc coi là nhân viên học việc.
Thứ hai, chương trình đào tạo tại nơi làm việc. Ở chương trình này, người lao động thu thập kiến thức và kỹ năng thông qua việc thực hiện và phản ánh các nhiệm vụ trong bối cảnh nghề nghiệp. Cùng với đó có thể kết hợp đào tạo, thực hành, cầm tay chỉ việc, tuy nhiên, có thể không diễn ra trong môi trường làm việc thực tế, mà là mô phỏng địa điểm làm việc trong cơ sở của các cơ sở giáo dục – đào tạo nghề.
Thứ ba, chương trình kép. Có thể kết hợp học nghề trong một công ty (đào tạo thực hành) và giáo dục nghề nghiệp tại một trường dạy nghề (giảng dạy lý thuyết) trong một khóa học – đảm bảo sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Thực tập sinh được liên kết theo hợp đồng với người sử dụng lao động và nhận thù lao (tiền lương hoặc phụ cấp).
Vậy theo bà, Việt Nam nên chuẩn bị những gì để thích ứng với những xu hướng mới?
Trong cộng đồng quốc tế, người Việt là một trong những người rất dễ thích ứng và thích ứng rất nhanh, rất khéo. Vậy không cần chuẩn bị gì nhiều mà nên bắt tay hành động thực tế.
Ví dụ có thể học hỏi và áp dụng ngay mô hình vừa học vừa làm (alternance) ở Pháp. Trong mô hình này, tác nhân chính không chỉ có cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và học viên mà còn có tác nhân về chính sách, ngân quỹ: Nhà nước; địa phương; các cơ sở thu thuế đào tạo – Organisme collecteurs (OCTA, OPCA) và tác nhân về quản lý, phát triển, thiết lập các hợp đồng đào tạo (Trung tâm đào tạo vừa học vừa làm (CFA); Các tổ chức, kết cấu về tham chiếu, đánh giá chất lượng (Referentiels)).
Tại Pháp có 20 OPCA cấp quốc gia thực hiện chức năng thu thuế đào tạo, thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại địa phương. Đây là một tổ chức, hình thức phát triển quan trọng cho phép các địa phương phát triển với các quan hệ mang tính xây dựng với các nhà tài trợ học nghề có thể huy động các thành viên của họ trên các lĩnh vực học.
CFA trước đây là sáng kiến của các tổ chức và nhóm các công ty như công đoàn, chi nhánh chuyên nghiệp và các tổ chức lãnh sự quán. Mục tiêu rõ ràng là đáp ứng nhu cầu của thành viên của họ bằng các điều khoản tuyển dụng và đào tạo chuyên gia trẻ.
Trong khi đó, Referientiels lại chủ yếu về hoạt động, chuyên môn, nghề nghiệp, chương trình đào tạo và chứng nhận. Nhờ vậy mà sinh viên tốt nghiệp các chương trình vừa học vừa làm vừa đảm bảo trình độ chuyên môn ứng dụng thực hành rất tốt, vừa đảm bảo về chất lượng bằng cấp như sinh viên tốt nghiệp các chương trình đại học thông thường.
Trong tương lai, bà có kỳ vọng về sự hợp tác giữa AVSE Global và Việt Nam trong lĩnh vực nâng cao chất lượng giáo dục cũng như kết nối các tổ chức giáo dục hàng đầu như CNAM với Việt Nam không, thưa bà?
Viện Đại học CNAM là trường đi đầu trong đào tạo cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, là một trong những trường tạo dựng mô hình đào tạo vừa học vừa làm (apprentissage) cho nước Pháp, hiện đang giúp rất nhiều nước xây dựng các dự án đào tạo thử nghiệm dành cho nhiều cấp độ và trình độ đào tạo, thích ứng với thực tế của thị trường lao động. Để làm được điều này, các nước đã phải xem xét tăng cường các hoạt động liên bộ (Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Lao động, Bộ Tài chính vì các tác nhân này sẽ tạo ra một chuỗi tuần hoàn từ việc tổ chức thuế đào tạo, trung tâm đào tạo, kết cấu tham chiếu và chất lượng đào tạo với thực tế ngành nghề. Tôi rất sẵn sàng và hân hạnh làm cầu nối kết nối giữa Cnam và Việt Nam để xem xét dự án đào tạo vừa học vừa làm này.
Ngoài ra với kinh nghiệm quốc tế của cộng đồng chuyên gia và nhà khoa học AVSE Global có thể cân nhắc nghiên cứu và áp dụng các xu hướng và mô hình đào tạo như đào tạo luân phiên, đào tạo trên công việc, đào tạo kép xen lẫn đào tạo vừa học vừa làm, giúp nâng cao hiệu quả chất và lượng của giáo dục đào tạo Việt Nam cũng như giúp nâng cao hiệu quả năng suất lao động tri thức và kỹ năng, chất và lượng cho nhân lực Việt Nam.
VnEconomy 24/12/2024 15:21
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2024 phát hành ngày 23/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam