Làm rõ khả năng cân đối vốn cho đầu tư mở rộng, nâng cấp sân bay Phú Quốc
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác nhận trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 của ACV có bố trí vốn cho đầu tư mở rộng, nâng cấp sân bay Phú Quốc.
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. |
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT cho ý kiến về khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Theo đơn vị đang nắm tới 98% vốn điều lệ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị đang quản lý, vận hành khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, sân bay Phú Quốc hiện có quy mô cấp 4E, công suất thiết kế 4 triệu hành khách/năm (mở rộng năm 2018); khai thác hành khách quốc tế và quốc nội; có một đường cất hạ cánh dài 3.000m, rộng 45m; sân đỗ hàng không dân dụng với 14 vị trí đỗ tàu bay giờ cao điểm.
Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang tăng trưởng mạnh và đã khai thác vượt công suất thiết kế, tần suất đi/đến cao. Năm 2022, sân bay này đạt sản lượng 5,5 triệu hành khách/năm với khoảng 90 – 100 chuyến/ngày cả đi và đến; dự kiến đế năm 2023 sản lượng đạt 4,5 – 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2025 sản lượng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được quy hoạch trong thời kỳ 2021 – 2030 là cảng hàng không quốc tế cấp 4E, công suất thiết kế 10 triệu hành khách/năm; định hướng đến năm 2050 có công suất thiết kế 18 triệu hành khách/năm.
Như vậy, theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc đầu tư mở rộng nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trong đó có việc xây dựng Nhà ga hành khách T2 công suất 6 triệu hành khách/năm (nâng tổng công suất thiết kế lên 10 triệu hành khách/năm) là cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyên và nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, tại Thông báo số 99/TB- VPCP ngày 5/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức đối tác công tư), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phù hợp với các quy định hiện hành.
Liên quan đến khả năng cân đối, bố trí vốn đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, ACV đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư trình Ủy ban và đang tiếp tục hoàn thiện, cụ thể tại các dự thảo Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021- 2025; Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của ACV trong giai đoạn 2021-2025 là 106.441 tỷ đồng, cụ thể: Dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (71.311 tỷ đồng); Dự án trọng điểm đã có quyết định đầu tư, đang triển khai thực hiện (17.969 tỷ đồng); Dự án, công trình thiết yếu khác đầu tư theo trách nhiệm của người khai thác cảng/doanh nghiệp cảng hàng không, sân bay quy định tại Nghị định 05/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (17.161 tỷ đồng).
“Trong đó kế hoạch này, ACV đã bố trí nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc”, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.
Vào cuối tháng 5/2023, Bộ GTVT đã có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV xin ý kiến về khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Tại văn bản này, Bộ GTVT cho biết là căn cứ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị sớm triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc ngay trong giai đoạn 2021-2025 đáp ứng năng lực phục vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Theo Bộ GTVT, hiện nay ACV là doanh nghiệp khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Theo quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ (khoản 1 Điều 48), để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý, vận hành, duy trì điều kiện khai thác, ACV có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 5/4/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao “Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Kiên Giang nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP), nâng tổng công suất đến năm 2030 lên 10 triệu hành khách/năm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phù hợp với các quy định hiện hành”.
“Vì vậy, để có đầy đủ cơ sở giải quyết nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV có ý kiến về khả năng bố trí, cân đối nguồn vốn của ACV để đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn đến năm 2030”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.