Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có thêm 2 khu công nghiệp rộng hơn 400 ha
Hai khu công nghiệp (KCN) số 2, số 3 tại Khu kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được HĐND tỉnh này phê duyệt với quy mô hơn 400ha.
Khu vực quy hoạch xây dựng khu công nghiệp số 2 và 3 thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Ảnh: Lê Nguyễn |
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt Đồ án “Quy hoạch phân khu xây dựng KCN số 02, số 03 tại KKT Chân Mây – Lăng Cô”.
Theo đó, hai KCN này thuộc địa bàn xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, phía Đông giáp khu đất cây xanh sinh thái, núi Phú Gia, phía Tây giáp KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây, phía Nam giáp Quốc lộ 1A, phía Bắc giáp khu phi thuế quan và khu cây xanh; quy mô diện tích khoảng 409,5 ha; quy mô lao động 15.000 – 17.000 lao động.
Theo Tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình HĐND tỉnh, hai KCN này có tính chất là KCN tập trung, đa ngành, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ… và các dịch vụ hậu cảng phục vụ cảng Chân Mây, phù hợp không gian kiến trúc cảnh quan khu vực lân cận, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Theo phân khu được xác định, trong hai KCN, KCN số 2 nằm ở phía Tây khu vực lập quy hoạch (phía Bắc giáp đường giữa KCN số 2, số 3; phía Nam giáp đường Quốc lộ 1A; phía Tây giáp đường Tây cảng Chân Mây; phía Đông giáp với đường ra cảng Chân Mây và KCN số 3). Quy mô KCN số 2 khoảng 223,5 ha, có chức năng bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp; công nghiệp kỹ thuật cao và thân thiện môi trường trong đó có bố trí khu vực dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm điều hành, dịch vụ phụ trợ chính của khu vực phát triển công nghiệp tập trung của khu vực.
KCN số 3 nằm ở phía Đông khu vực quy hoạch (phía Bắc, phía Đông giáp đường quy hoạch có lộ giới 33m tiếp giáp núi Phú Gia; phía Nam giáp đường Quốc lộ 1A; Phía Tây giáp đường ra cảng Chân Mây). Quy mô diện tích khoảng 186,0 ha. Nơi đây có cức năng bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, kho bãi và các dịch vụ hậu cảng phục vụ cảng Chân Mây; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ…
Việc xây dựng hai KCN nói trên, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô, trên cơ sở các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của huyện Phú Lộc về đầu tư phát triển tại các KCN, KKT; tạo sự đồng bộ, khớp nối với các khu vực đã được triển khai lập quy hoạch đáp ứng các yêu cầu về phát triển khu công nghiệp tại KKT Châm Nây – Lăng Cô; nâng cao hiệu quả năng lực và khai thác tối đa việc sử dụng quỹ đất; thiết lập khu vực sản xuất tập trung gắn với bảo vệ môi trường, hài hòa với kiến trúc cảnh quan, các khu chức năng lân cận; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tạo việc làm, khai thác tiềm năng và tăng trưởng kinh tế; làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch; làm cơ sở triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng và lập các dự án đầu tư xây dựng, từng bước xây dựng hoàn chỉnh KKT.
Cùng với đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa ban hành Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu phi thuế quan Chân Mây, trong đó có một số nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống cây xanh cách ly theo quy hoạch tại các khu đất tiếp giáp đường nối Quốc lộ 1A ra cảng Chân Mây và đường giữa KCN số 2 và số 3 được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2021 với tổng kinh phí 59,279 tỷ đồng. Theo đó, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 122,530 tỷ đồng (tăng 63,251 tỷ đồng), đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh; nhóm dự án điều chỉnh thuộc “Công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án nhóm C” điều chỉnh thành “Công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án nhóm B”.
Dự án sẽ sây dựng mương thoát nước phù hợp hiện trạng và quy hoạch chung của khu phi thuế quan Chân Mây có tổng chiều dài mương khoảng 4,2km. Xây dựng 2 tuyến đường đấu nối từ đường giữa KCN số 2 và số 3 đến điểm tiếp giáp ranh giới quy hoạch khu phi thuế quan Chân Mây; trồng cây xanh bóng mát tạo cảnh quan… Mục tiêu của dự án là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô kết nối với các tuyến đường giao thông đã đầu tư, kết nối hạ tầng kỹ thuật; hình thành hệ thống cây xanh cách ly đảm bảo cảnh quan môi trường, giảm tiếng ồn; khắc phục tình trạng ngập úng cho khu vực phi thuế quan Chân Mây và hỗ trợ nhà đầu tư kết nối vào hệ thống giao thông nội bộ khu kinh tế.
Giải thích việc điều chỉnh cơ cầu nguồn vốn đầu tư của dự án từ “Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác” thành “Ngân sách tỉnh”, khác với chủ trương đầu tư được duyệt hồi năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho nguồn vốn bố trí cho dự án được phê duyệt tại Nghị quyết số 20/NQ-HĐND năm 2021 là “Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác” trên cơ sở cam kết tạm ứng kinh phí giải phóng mặt bằng phần diện tích đất khoảng 38 ha của Công ty cổ phần Kim Long Motors Huế (nhà đầu tư Dự án Khu Liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế) tại Văn bản số 11/2020/CV-KLMH ngày 18/6/2020, phần kinh phí tạm ứng này sẽ hoàn trả lại cho nhà đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước thông qua khấu trừ tiền thuê đất. Tuy nhiên, hiện nay Công ty cổ phần Kim Long Motors Huế đã ký hợp đồng thuê đất và đã nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước.
Do đó, để tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư thực hiện dự án, “phù hợp chính sách hỗ trợ đầu tư” của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 25/1/2022, nên UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh nguồn vốn đầu tư của dự án từ “Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác” thành “Ngân sách tỉnh” đối với dự án Hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu phi thuế quan Chân Mây.