Với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, tỉnh Quảng Bình đã và đang thu hút nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này.
Cụm trang trại điện gió B&T đi vào hoạt động đánh dấu thành công trong thu hút đầu tư năng lượng tái tạo của tỉnh Quảng Bình. |
Niềm tin từ nhà đầu tư
Cụm trang trại điện gió B&T do Công ty AMI AC Renewables làm chủ đầu tư có công suất 252 MW, tổng vốn đầu tư hơn 8.113 tỷ đồng là dự án cụm trang trại điện gió đầu tiên tại Quảng Bình. Dự án đã phát điện thương mại vào tháng 10/2021.
Ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng giám đốc Công ty AMI AC Renewables từng chia sẻ, với thành công của dự án này, cùng với niềm tin tuyệt đối vào môi trường đầu tư ngày một tốt hơn tại Quảng Bình, các cổ đông của AMI AC Renewables đã hoàn toàn tin tưởng và quyết định tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các dự án mới tại Quảng Bình.
Còn với bà Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Capella, một trong những lý do chọn Quảng Bình để đầu tư (đề xuất đầu tư Dự án Khu công nghiệp Cam Liên) là tỉnh có hệ thống điện lưới quốc gia đồng bộ, đảm bảo cung ứng năng lượng cho các khu công nghiệp và đô thị; nguồn cung ứng điện ổn định cho nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, do nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, với nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm, bức xạ mặt trời khá cao, nên tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.
Cụ thể, số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển đạt 1.650 – 1.820 giờ/năm, lượng bức xạ ở Quảng Bình dao động trong khoảng 1.256 – 1.418 kWh/m2/năm, tập trung vào các tháng mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 9), rất thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Vận tốc gió bình quân tại độ cao 120 m ở trên biển và đất liền tỉnh Quảng Bình đo được là 6 – 6,75 m/s, thích hợp để phát triển điện gió.
Trước tiềm năng này, tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện khí…
Bên cạnh đó, là các nhà máy điện mặt trời tại huyện Lệ Thủy,
Bố Trạch (công suất 12 – 330 MWp); các nhà máy thủy điện tại huyện Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa (công suất 6 – 22 MW).
Ngoài Cụm trang trại điện gió B&T, cũng trong năm 2021, Nhà máy Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, công suất 49,5 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 1.037 tỷ đồng đã được Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa (Hàn Quốc) đưa vào vận hành.
Tính đến tháng 2/2023, Quảng Bình có tổng công suất điện gió đã đưa vào vận hành là 252 MW; điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà 95,196 MWp; thủy điện 14 MW; điện thu hồi nhiệt thải phát điện 17 MW.
Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm và đã đăng ký đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Quảng Bình.
Về điện mặt trời, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đăng ký đầu tư 200 MW (giai đoạn I đầu tư Nhà máy Điện mặt trời Sơn Hải 50 MW); Công ty cổ phần Xây dựng Trường Xuân đăng ký thực hiện 160 MW (giai đoạn I đầu tư 50 MW)…
Về điện gió, Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đăng ký dự án với tổng công suất 300 MW, trong đó giai đoạn I đầu tư 180 MW; Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô đăng ký thực hiện dự án 50 MW; Công ty Envision Energy đăng ký thực hiện dự án 120 MW…
Tiếp tục kêu gọi đầu tư
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, với tiềm năng điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và điện khí, Quảng Bình xác định, năng lượng tái tạo là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh.
Theo đó, việc xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió, nhất là các dự án quy mô công nghiệp thể hiện những nỗ lực trong thu hút đầu tư của tỉnh nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của Quảng Bình là công nghiệp, trong đó chú trọng, khuyến khích kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo…
UBND tỉnh Quảng Bình cũng xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Tỉnh luôn “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi, như: ưu đãi về vốn, thuế, phí; hạ tầng đất đai; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hạ tầng phụ trợ; ưu đãi cơ chế hỗ trợ mua điện từ các dự án điện gió; hỗ trợ giá điện đối với các dự án điện gió nối lưới…
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, với việc bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (tổ máy số 1: năm 2023, tổ máy số 2: năm 2024), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (tổ máy số 1: năm 2027, tổ máy số 2: năm 2028) cùng các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, công nghiệp sản xuất và phân phối điện là ngành động lực, quyết định tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2030.
Với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng lớn của khu vực và cả nước, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư quan trọng từ các nhà đầu tư lớn trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo.