Sáng 6/8, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tiến hành kiểm tra, một số dự án trọng điểm của thành phố, gồm: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội (giai đoạn 1) và Dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.
Tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội (giai đoạn 1), ông Đồng Phước An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư hơn 784,4 tỷ đồng.
Dự kiến đến trước ngày 20/8/2024, các gói thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, cung cấp lắp đặt thiết bị công trình chính sẽ được hoàn thiện. Các đơn vị liên quan phối hợp chạy thử liên động hệ thống; tập hợp hồ sơ, tài liệu và hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình để tổ chức nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy trong tháng 8/2024; nghiệm thu hoàn thành và bàn giao công trình trong tháng 9/2024.
Ông Đồng Phước An cũng cho biết, hiện nay, các công việc của Dự án đã cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch, để đưa dự án vào vận hành sử dụng dự án còn vướng mắc về việc kết nối giao thông và tổ chức giao thông tại khu vực bệnh viện; thi công đấu nối và cấp nước cho Dự án…
Theo bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công trình Bệnh viện Nhi Hà Nội được ấn định khánh thành và đưa vào hoạt động chính thức dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Do đó, trong tháng 8/2024 Dự án phải hoàn thành nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy; đồng thời cố gắng đẩy nhanh các gói thầu hoàn thiện công trình và bàn giao vận hành thử nghiệm trước ngày 15/9.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đề nghị tách riêng tiêu chuẩn, định mức, trang thiết bị cho bệnh viện để có cơ sở đẩy nhanh việc thực hiện. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bảo đảm đồng bộ tổ chức giao thông và chỉnh trang đô thị khu vực bệnh viện; sớm đưa vào danh mục đầu tư công dự án giao thông khớp nối bệnh viện Nhi Hà Nội và các dự án lân cận.
Tại Dự án đầu tư Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết về khai thác thương mại đoạn trên cao (từ ga S1 đến ga S8), toàn bộ đoạn trên cao của Dự án đã hoàn thành thi công, lắp đặt và vận hành thử, công tác nghiệm thu và các thủ tục pháp lý đã hoàn thành, đủ điều kiện để vận hành thương mại.
Đối với đoạn ngầm (từ ga S9 đến ga S12), bao gồm cả đoạn hạ ngầm sau ga S8 đến ga S9 tiến độ tổng thể đạt 43,50%. Trong đó, phần các ga ngầm 49.4% (tương đương 23,6% toàn bộ gói thầu), phần hầm đạt 39,5% (tương đương 19,9% toàn bộ gói thầu). Hoạt động thi công diễn ra trên tất cả các công trường…
Ngày 30/7, hầm TBM số 1 đã khởi công, đến nay 9,8m hầm đã được thi công, 9 vòng vỏ hầm đã được lắp đặt. Máy khoan hầm TBM số 2 dự kiến khởi công vào ngày 30/9/2024. Theo kế hoạch, công tác khoan và lắp dựng hầm sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025; toàn bộ phần ngầm của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2027.
Đối với việc thi công gói thầu hầm và các ga ngầm, ông Nguyễn Cao Minh cho rằng, mặc dù chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn và nhà thầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn và chất lượng theo hợp đồng, nhưng do đây là lần đầu tiên tiến hành khoan hầm bằng máy TBM trên địa bàn Hà Nội và đi qua khu vực đông dân cư có thể có những thách thức không lường trước, cần phải có các giải pháp ứng phó kịp thời và khẩn cấp.
Từ kinh nghiệm vận hành đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị cần cố gắng vận hành thương mại đoạn trên cao trong đầu tháng 8/2024 để người dân trải nghiệm, hình thành thói quen, cách tiếp cận mới về phương tiện vận tải hành khách khối lớn trong khu vực.
Với các kiến nghị của Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố sẽ giải quyết nhanh nhất, sớm nhất; đồng thời Ban cũng phối hợp để thiết lập quy trình chính thức, đẩy nhanh công tác vệ sinh môi trường đoạn trên cao chuẩn bị được vận hành. Với phần đi ngầm của dự án, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị các quận có liên quan chủ động, sẵn sàng ứng phó và xử lý các tình huống khẩn cấp không lường trước (nếu có).