Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty quốc tế cũng bao gồm các động thái giảm bớt đầu tư tại Trung Quốc, và Việt Nam tiếp tục sẽ là một điểm đến của quá trình dịch chuyển sản xuất này.
Trong cập nhật về kinh tế thế giới tháng 1/2025, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay và 2026 thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. WB dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 6,6%, cao hơn so với mức 6,5% được WB dự báo vào tháng 10/2024.
Về phần Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức này từng dự đoán Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất trong top 10 các nền kinh tế mới nổi toàn cầu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo tăng trưởng từ mức 6,4% trong giai đoạn 2024 – 2029.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa thích của các công ty Nhật Bản. Kết quả từ một khảo sát của JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản), hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2025 vì họ coi Việt Nam là nơi đầu tư phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Bất động sản công nghiệp “đồng ca” với đẩy mạnh sản xuất
Trên diện tích 18ha tại Khu công nghiệp Sonadezi ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Electronic Tripod Việt Nam (công ty con của Tập đoàn Tripod, Đài Loan – Trung Quốc) đang xây dựng nhà máy trị giá 250 triệu USD. Tripod nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án vài cuối tháng 3/2024.
Đây là tập đoàn nằm trong top thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm. Tripod mở rộng sản xuất sang Việt Nam, cụ thể là dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng sản lượng. Điều quan trọng là song song với việc xây dựng nhà máy, Tripod còn dự kiến sẽ mở rộng quy mô dự án lên tới 100ha để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác trong chuỗi cung ứng sản xuất đến để làm thêm nhà máy.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, việc Tripod đang xây nhà máy trên diện tích 18ha tại Sonadezi Châu Đức là một trong những thương vụ lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Đông Nam bộ và tiếp tục cho thấy Đông Nam bộ tiếp tục là một “điểm sáng” trong bất động sản công nghiệp.
Bà Trang nhận xét: “Một trong những xu hướng nổi bật thời gian qua là sự gia tăng đầu tư vào các khu công nghiệp. Phát triển của các ngành công nghiệp và sản xuất đã tạo ra nhu cầu lớn về đất công nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn. Các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài”.
Đơn cử, tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego nổi tiếng thế giới của Đan Mạch đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây nhà máy tại Bình Dương. Đáng chú ý, nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP III chính là nhà máy sản xuất xanh (mục tiêu là Net Zero) đầu tiên của Lego trên toàn thế giới.
Nhà máy với tổng diện tích gần 45ha (để có thể dễ dàng mở rộng diện tích sản xuất khi cần thiết) đã được Lego đưa vào sản xuất thử vào cuối năm 2024. Lego cũng dự kiến sẽ khánh thành nhà máy trong thời gian sớm nhất trong năm nay.
Đa dạng nhu cầu bất động sản công nghiệp và địa điểm
Trả lời báo Dân Việt, ông David Jackson, Tổng Giám đốc công ty dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam, nhấn mạnh: Năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất và bất động sản công nghiệp tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu cho phân khúc này.
Điều này được phản ánh qua nguồn cung mới liên tục được bổ sung, giá thuê tăng ổn định, và tỷ lệ lấp đầy đạt mức cao xuyên suốt năm. Bên cạnh đó, thị trường còn chứng kiến sự cạnh tranh giữa thị trường cấp hai với thị trường cấp một, như giữa Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc với Bắc Ninh, Bắc Giang; hay Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu với Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Lợi thế cạnh tranh của các thị trường cấp hai là diện tích đất công nghiệp cho thuê còn lớn với tỷ lệ lấp đầy chưa cao và giá thuê vừa sức, theo ông Jackson.
Về triển vọng năm 2025, ông nêu 3 động lực chính cho bất động sản công nghiệp bao gồm: Dòng vốn FDI ngày càng mạnh mẽ; môi trường pháp lý tại Việt Nam đã đồng bộ hơn; và nhu cầu cao đối với các loại hình đất công nghiệp cho thuê, nhà kho, nhà xưởng xây sẵn và các cơ sở công nghiệp công nghệ cao.
Chuyên gia quốc tế này cũng đề cập đến xu hướng mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ tiếp tục trong lĩnh vực. Ông lý giải, Việt Nam có trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư luôn được cải thiện và chính trị ổn định. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thâm nhập và mở rộng sự hiện diện trên thị trường dưới nhiều hình thức như thuê đất, mua quyền sử dụng đất, M&A cả dự án hoặc mua cổ phần…
Theo ông Jackson, những “điểm nóng” về M&A thường là các địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp và hạ tầng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An ở phía Nam; Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh ở phía Bắc. Tuy nhiên, số lượng giao dịch M&A trong các năm tới khó tăng mạnh do việc áp dụng các quy định pháp lý mới và kỳ vọng khác biệt giữa các bên về mức định giá và giá bán.