Đại diện một số trường dự báo, năm nay mức điểm chuẩn vào đại học sẽ giữ nguyên hoặc nếu có biến động cũng không đáng kể, biên độ rất nhỏ, từ 0,25-0,5 điểm, tùy mã ngành.
Nhiều trường đại học lớn công bố điểm sàn
Trường Đại học Ngoại thương vừa công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ảnh minh hoạ. |
Theo đó, với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mức điểm sàn Đại học Ngoại thương là từ 23,5 điểm cho tất cả các tổ hợp, đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Đồng thời, Trường Đại học Ngoại thương cũng công bố mức điểm sàn theo phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và chứng chỉ ngoại ngữ.
Trường Đại học Thương mại thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển) đại học chính quy năm 2023 là 20 điểm.
Học viện Hành chính Quốc gia cũng vừa thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hình thức chính quy theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 từ 15-21,5 điểm.
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm sàn xét tuyển năm 2023 đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023.
Đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT 2023: Ngưỡng điểm điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20,0 (theo thang điểm 30). Thí sinh có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (không tính môn chính) lớn hơn hoặc bằng 20,0 có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy 2023: Ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 50,0 (theo thang điểm 100).
Thí sinh có điểm xét từ 50,0 trở lên có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó: Điểm xét = Điểm thi đánh giá tư duy + Điểm ưu tiên + Điểm thưởng.
Đối với các chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh, thí sinh phải đảm bảo điều kiện tiếng Anh như sau: Thí sinh có chứng chỉ VSTEP từ B1 trở lên, hoặc có chứng chỉ IETLS (Academic) từ 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ khác tương đương, hoặc có điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm 2023 đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Tuy nhiên, điều kiện này không áp dụng đối với thí sinh thuộc diện sau: Được tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thí sinh được miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh; Thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng.
Điểm sàn các ngành của Học viện Hành chính Quốc gia dao động từ 15 đến 21,5. Trong đó có rất nhiều ngành nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm trở lên. Ngành lấy điểm sàn cao nhất là Quản trị nhân lực, khối C00.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2023 dao động từ 17 – 20 điểm.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội công bố điểm sàn đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Các ngành có mức điểm sàn cao nhất là: Kiến trúc cảnh quan, Chương trình tiên tiến ngành kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kiến trúc – cùng lấy 22 điểm. Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng… cùng có điểm sàn là 18.
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lưu ý, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển không phải là điểm trúng tuyển.
Điểm trúng tuyển thường cao hơn mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Chỉ những thí sinh có điểm lớn hơn hoặc bằng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển mới được tham gia xét tuyển.
Năm nay, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội lấy điểm sàn là 23,5 (thang điểm 30, đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực) cho tất cả các ngành.
Điểm sàn của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dao động từ 17 đến 23 điểm. Ngành Công nghệ thông tin có điểm sàn cao nhất, lấy 23 điểm.
Tiếp đó ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử lấy điểm sàn là 22. Các ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ thực phẩm… lấy điểm sàn từ 17.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo điểm sàn các ngành đào tạo trình độ đại học năm 2023.
Theo đó, điểm xét tuyển thấp nhất là 18 điểm, cao nhất là 23 điểm. Ngành có điểm sàn cao nhất là Công nghệ thông tin – Truyền thông. Các ngành: Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, Khoa học Môi trường ứng dụng có điểm sàn là 18.
Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ
Sau khi có điểm tốt nghiệp THPT năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có bảng dự báo điểm chuẩn xét tuyển đại học.
Theo đó, chương trình đào tạo có điểm chuẩn cao nhất thuộc về lĩnh vực Công nghệ thông tin với ngành Khoa học máy tính (IT1), Kỹ thuật máy tính (IT2) và Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) với điểm chuẩn dự kiến 27,5.
Năm 2023, khoa Kỹ thuật máy tính có dự kiến điểm chuẩn cao nhất trong các ngành đào tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội với 28,29 điểm.
Với trường Đại học Kinh tế quốc dân, theo PGS-TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo, với mức độ đề thi có tính phân hóa cao hơn so với năm 2023, dự kiến điểm chuẩn năm nay khả năng giảm hơn so với năm 2022 là không lớn, nếu có sự tăng/giảm thì thay đổi biên độ rất nhỏ, từ 0,25-0,5 điểm, tùy mã ngành.
Với các ngành “hot” như marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn, tuy nhiên thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới có cơ hội trúng tuyển.
Sau nghiên cứu phổ điểm các khối thi, đại diện trường Đại học Giao thông vận tải đã đưa ra dự báo biến động điểm chuẩn năm 2023 của nhà trường.
Cụ thể, với nhóm ngành “hot” có điểm chuẩn năm trước từ 25-27 sẽ giảm 0,5-1 điểm; nhóm điểm chuẩn 22-25 điểm, sẽ giảm nhẹ 0,25 điểm; nhóm ngành dưới 20, điểm chuẩn giữ nguyên như trước.
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM dự kiến điểm chuẩn giảm 0,5-2 điểm. Trường Đại học Công thương TP.HCM, ngành hot nhất dự kiến điểm chuẩn 22 điểm.
Trường Đại học Công thương TP.HCM đã có dự báo điểm chuẩn tuyển sinh năm 2023 để thí sinh cân nhắc lựa chọn. Cụ thể, các ngành có điểm chuẩn cao nhất dự kiến là Marketing và Ngôn ngữ Trung Quốc với mức khoảng 22 điểm.
Các ngành như Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin và Ngôn ngữ Anh có mức điểm chuẩn dự kiến từ 21 điểm trở lên.
Các ngành như Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành điểm chuẩn dự kiến 20-21 điểm.
Các ngành như Công nghệ thực phẩm, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị khách sạn có mức điểm chuẩn dự kiến là 20 điểm. Ngành An toàn thông tin dự kiến có điểm chuẩn là 19-20 điểm, Quản trị kinh doanh thực phẩm có mức điểm chuẩn dự kiến là 18,5 -19 điểm.
Các ngành như Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có điểm chuẩn dự kiến là 18-19 điểm.
Ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm dự kiến có mức điểm chuẩn là 18,5 điểm. Ngành Kinh doanh thời trang và dệt may, Công nghệ dệt may với mức khoảng 17 điểm. Và các ngành còn lại có mức điểm chuẩn dự kiến khoảng 16 điểm.
Còn theo đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như số lượng thí sinh đăng ký, chỉ tiêu… Tuy nhiên, nhìn vào phổ điểm có thể dự đoán điểm chuẩn khối khoa học tự nhiên năm nay sẽ có thay đổi không nhiều.
Cụ thể, điểm chuẩn khối A00 (Toán – Lý – Hóa) có thể giảm nhẹ trong biên độ từ 0,5-1,5 điểm so với năm 2022. Khối A01 (Toán – Lý – Tiếng Anh) tương đương năm 2022 hoặc giảm khoảng 0,5-1,0 điểm. Trong khi đó, khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) có thể tăng giảm khoảng 0,5-1,0 điểm.