Đắk Lắk chấp thuận chủ trương nhiều dự án, tổng vốn hơn 700 tỷ đồng
Cùng với hơn 700 tỷ đồng được cấp chủ trương đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023, Đắk Lắk cũng đón cả trăm lượt nhà đầu tư tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ngày 20/7, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong quý II/2023, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 7 dự án, với tổng số vốn đầu tư hơn 779 tỷ đồng, tăng 2 dự án so với cùng kỳ 2022.
Tỉnh Đắk Lắk đã điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 10 dự án, thống nhất tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu 1 dự án.
Ngoài ra, có khoảng 100 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có những nhà đầu tư nhiều tiềm năng như: Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương Highland; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam; Công ty cổ phần Shinec; Công ty TNHH Cảng Vân Phong…
Về dự án FDI, lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 24 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 622 triệu USD; trong đó có 2 dự án với tổng vốn 26,9 triệu USD được đầu tư trong Khu Công nghiệp Hòa Phú.
Đối với các dự án ODA, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện 6 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 2.325 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thi công 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk, với quan điểm “Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển bền vững”, Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để mời gọi và thu hút đầu tư. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình làm thủ tục đầu tư, thực hiện dự án…
Trong 6 tháng năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã cấp chủ trương đầu tư cho nhiều dự án lớn. |
Theo Dự thảo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư nhằm tạo đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk xác định 5 lĩnh vực ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư gồm: ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch – dịch vụ logistics, thông tin và truyền thông, phát triển nguồn nhân lực.
Về nông nghiệp, Đắk Lắk sẽ phát triển theo các mô hình trồng trọt và chăn nuôi với quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện môi trường, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn tầm khu vực và thế giới với những sản phẩm chất lượng cao.
Về công nghiệp, Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2030 được gắn kết chặt chẽ trong tổng thể phân bố không gian toàn tỉnh, là các hạt nhân năng suất cao, đầu tàu về phát triển kỹ thuật và ứng dụng khoa học – công nghệ mới. Công nghiệp dựa trên các nền tảng phát triển chung của vùng Tây Nguyên, trong đó chú trọng đến điện gió, năng lượng sinh học… Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, chế tạo công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.
Đối với du lịch – dịch vụ logistics, Đắk Lắk sẽ đưa du lịch trở thành ngành xương sống trong định hướng phát triển bền vững; hình thành một mạng lưới dịch vụ đồng bộ, đảm nhiệm chức năng là trung tâm dịch vụ đầu mối của vùng với một số loại hình dịch vụ như logistics, tài chính – ngân hàng, sàn giao dịch nông sản, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…