Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 5680/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đầu tư kết nối các tuyến đường bộ cao tốc.
Sau khi xem xét các báo cáo của các cơ quan gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ, cơ quan để hoàn thiện báo cáo.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý về sự phối hợp với các địa phương, làm rõ sự phù hợp của các nút giao, tuyến kết nối với các quy hoạch có liên quan. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định đầu tư các nút giao, tuyến kết nối tuân thủ quy định Nghị định số 25/2023/NĐ-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và pháp luật liên quan.
Ngoài ra, rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư các nút giao, tuyến kết nối phù hợp với khả năng cân đối vốn bảo đảm hiệu quả, khả thi và huy động tối đa nguồn lực để sớm đầu tư các nút giao, tuyến kết nối.
“Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương thống nhất phương án để sớm đầu tư các nút giao và tuyến kết nối của các dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý theo quy định pháp luật”, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị.
Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2024.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình rà soát, hoàn thiện báo cáo; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về việc rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng, địa phương.
Thông tin từ đợt rà soát cuối tháng 5/2024, Bộ Giao thông vận tải cho biết có 134 kiến nghị, đề xuất của địa phương với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 174.543 tỷ đồng.
Trong 134 kiến nghị này, theo Bộ Giao thông vận tải, có 53 kiến nghị liên quan đến nút giao với nhu cầu vốn khoảng 33.029 tỷ đồng và 81 kiến nghị liên quan đến tuyến kết nối với nhu cầu khoảng 141.514 tỷ đồng.
Trong đó, có 7 kiến nghị bổ sung nút giao hoặc mở rộng nút giao hiện hữu trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, gồm: Hà Nam, Nam Định (3 nút giao, tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình); Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi (4 nút giao, tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi).
Trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của địa phương, vai trò của tuyến cao tốc, sự cần thiết đầu tư, khả năng cân đối vốn, Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá sơ bộ mức độ ưu tiên các kiến nghị của địa phương trên tổng thể các tiêu chí.
Ngày 26/8/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 769/CĐ-TTg về rà soát việc kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các vùng, địa phương.
Công điện nêu rõ thực tiễn đã chứng minh, đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế – xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn…, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, còn một số trường hợp việc kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết giữa đường bộ cao tốc và các quy hoạch nên chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các không gian phát triển mới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các vùng, địa phương, tại công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở kết quả rà soát, khẩn trương báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc phối hợp với các địa phương xem xét ưu tiên bố trí vốn và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư bổ sung các nút giao cần thiết.
Từ đó, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường bộ cao tốc, tạo ra các không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, khu vực.