Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận yêu cầu đẩy nhanh tiến độ 2 dự án trọng điểm
Ninh Thuận đặt mục tiêu hoàn thành Dự án Hồ chứa nước Sông Than cuối năm 2023; hoàn tất thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với dự án đường nối Lâm Đồng.
Đoàn công tác của UNND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra Dự án Hồ chứa nước Sông Than. Ảnh: Hữu Tín. |
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cùng lãnh đạo sở liên quan, UBND huyện Ninh Sơn vừa có buổi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện công trình Hồ chứa nước Sông Than và Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư), Dự án Hồ chứa nước Sông Than đến nay khối lượng thi công đất đắp đạt khoảng 84 %, khối lượng thi công đập bê tông đạt 87%. Dự kiến, thi công hoàn thành phần hạng mục đắp đất đập vào cuối tháng 8/2023.
Tuy nhiên, tiến độ thi công phần đập bê tông của nhà thầu Cường Thịnh Thi còn chậm, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra.
Tại buổi kiểm tra, đối với hạng mục đập bê tông do nhà thầu Cường Thịnh Thi thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, chỉ đạo nhà thầu gấp rút thi công, tăng ca, huy động lực lượng, máy móc thiết bị ở mức cao nhất để thi công bù đắp tiến độ chậm trễ trước đó, quyết tâm hoàn thành công trình trong năm nay.
Dự án Hồ chứa nước Sông Than với quy mô dung tích hồ chứa 85,04 triệu m3 nước; có tổng mức đầu tư 1.040 tỷ đồng. Theo quyết định đầu tư ban đầu, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2017 – 2020. Tuy nhiên, dự án vướng chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp (khoảng 50 ha) sang mục đích khác nên ngày 29/01/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2022.
Đối với, Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), đoạn từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới đã thi công cơ bản hoàn thành.
Trong khi đó, đoạn từ xã Ma Nới đã ngã tư Tà Năng (tỉnh Ninh Thuận) 8km/ 23,1km có mặt bằng thi công; 15,1 km còn lại chưa có mặt bằng do chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dựng rừng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khi có 15km/ 17 km có mặt bằng thi công, còn lại 2km chưa có mặt bằng do chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Do vậy, đối với các đoạn đã có mặt bằng, chủ đầu tư đang yêu cầu các đơn vị thi công đang tập trung triên khai, đẩy nhanh tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp với tỉnh Lâm Đồng rà soát, hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; nghiên cứu cân đối nguồn vốn bố trí thực hiện các hạng mục, thống nhất phương án trong kế hoạch thi công, đảm bảo công trình đạt chất lượng, sớm hoàn thành theo mục tiêu đề ra.
Dự án này có tổng chiều dài 62,5 km, trong đó có 45,4 km thuộc địa bàn huyện Ninh Sơn và 17,1 km thuộc tỉnh Lâm Đồng. Dự án được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt ngày 22/12/2021, thời gian thực hiện trong năm 2021-2025, tổng kinh phí của dự án gần 1.500 tỷ đồng.
Đây là 2 trong số 4 dự án trọng điểm (cùng với Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên Hải – tiểu dự án TP. Phan Rang – Tháp Chàm; Đường giao thông nối cao tốc Bắc – Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná) vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu người đứng đầu các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng còn lại của năm 2023.