Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra 5 giải pháp nhằm chọn lọc được các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản
Tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” ngày 13/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó, đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu tư là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. Về địa phương đã có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, trong đó TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.
Về quy mô dự án, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên đến hàng tỷ USD như dự án: công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu; thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, Công ty TNHH phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam,…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh Trọng Hiếu |
Bên cạnh những mặt tích cực của làn sóng FDI vào bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đã chỉ ra một số bất cập trong quá trình triển khai dự án như: một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai cũng như nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời; Thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài; Tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ. Tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.
“Việt Nam đã trải qua 35 năm thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị đã khẳng định nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc lọc, nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, tạo tính liên kết tốt giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước; các dự án mang lại hiệu quả và đóng góp thực chất cho nền kinh tế.
Với chủ trương định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc nêu trên, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới cần hướng tới cần hướng tới đảm bảo các yếu tố về chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường, hướng tới phát triển các khu đô thị thông minh; thành phố thông minh, bất động sản công nghiệp hướng tới mô hình chuyển đổi sinh thái…”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel…) phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Thứ ba, khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.