Tại Công điện ngày 9/3 về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết thí điểm để quản lý tài sản số, tài sản mã hóa, báo cáo Thường trực Chính phủ trước 13/3.
Trả lời PV Dân Việt, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng việc thành lập một sàn giao dịch tài sản số ở Việt Nam là bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế số, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm không ít thách thức.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần giám sát và có điều kiện đầy đủ với các doanh nghiệp tại Việt Nam muốn phát hành, phân phối tiền kĩ thuật số.
“Chúng ta không thể vội vàng, mọi thứ cần nghiên cứu kĩ lưỡng. Để đảm bảo thị trường tài sản số phát triển bền vững, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ và nhất quán. Chúng ta cần giám sát chặt chẽ các sàn giao dịch tài sản mã hóa. Chỉ những sàn đáp ứng điều kiện về vốn, công nghệ, bảo mật và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư mới được cấp phép hoạt động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, “cần phải nắm người có tóc”. Cụ thể, các công ty phải có trụ sở, ban đại diện, ban quản lý, có vốn điều lệ để khi có vấn đề gì xảy ra thì công ty đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi đó, tiền số mới đưa vào sử dụng được ở Việt Nam.
Khi được hỏi điều kiện từ quốc tế về lập sàn giao dịch tiền kĩ thuật số, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu: Yêu cầu đầu tiên là về pháp lý, trong đó có giấy phép hoạt động, xác minh danh tính khách hàng (KYC) và chống rửa tiền (AML) và áp dụng thuế giao dịch tiền số hoặc thuế thu nhập từ sàn giao dịch.
Với các sàn giao dịch, quy định về vốn tối thiểu để vận hành. Ở Singapore, yêu cầu về vốn đâu đó khoảng 180.000 USD. Nhưng ở châu Âu, vốn có thể cao hơn gấp 2 hoặc gấp 3 so với Singapore tuỳ quy mô. Đặc biệt, họ yêu cầu khắt khe về quỹ bảo hiểm để bồi thường trong trường hợp xảy ra sự cố mất tài sản của khách hàng.
Điều kiện rất quan trọng nữa là về kĩ thuật. Hệ thống giao dịch phải đảm bảo an toàn, thông suốt, tốc độ cao để có thể xử lý lượng lớn giao dịch mỗi giây, mỗi phút. Kèm theo đó, hệ thống cũng cần bảo vệ thông tin người dùng, chống được các nguy cơ tấn công mạng.
Theo thống kê của Cổng thanh toán tiền số Tripple-A công bố tháng 6.2024, Việt Nam có 20,9 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số (chủ yếu là tiền ảo/tiền mã hóa không chính thức) trong năm 2023, đứng thứ 4 thế giới (sau Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ) về số lượng người sở hữu tiền số nhưng đứng thứ 2 về tỷ lệ người sở hữu tiền số khi chiếm 21,2% dân số, cao hơn Mỹ (ở vị trí thứ ba với 15,6%).
“Sự phát triển mạnh mẽ của tiền số thời gian qua gây ra tâm lý đầu cơ trong xã hội, khiến nhiều người lao vào đầu tư mà bỏ qua các ngành kinh tế truyền thống, giảm nguồn lực đầu tư xã hội. Thế nên nhà đầu tư cũng cần được cung cấp thông tin minh bạch tránh về rủi ro, tránh bị lừa đảo hoặc đầu tư theo phong trào”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần sớm có nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc và có cách tiếp cận phù hợp với tiền kỹ thuật số nói chung và tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBCD) nói riêng, bao gồm cả tiền CBCD do nước khác phát hành và mong muốn được giao dịch, chấp nhận tại Việt Nam.
Vị chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng cho rằng, trong giai đoạn đầu cần áp dụng mô hình thí điểm, cần có lộ trình rõ ràng và chi tiết. Ở giai đoạn đầu là giai đoạn thử nghiệm rồi đánh giá và điều chỉnh cũng như xây dựng dần hình thành quy định giám sát và quản lý, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm quốc tế, xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh kinh tế, pháp lý, đặc biệt là công nghệ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về xây dựng thị trường tiền số.
Về vấn đề thuế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói: “Việc mua bán buộc phải thông qua ngân hàng, và phải nộp thuế nếu có doanh thu, có lãi; mức thuế này ít nhất phải bằng mức thuế trong lĩnh vực chứng khoán. Tôi ủng hộ theo phương hướng xem tiền ảo như tài sản ảo để tính toán, thu thuế”.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Mỹ, Singapore để vừa tận dụng tiềm năng kinh tế vừa thúc đẩy sự minh bạch trong thị trường.
Về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tiền kĩ thuật số, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tiền kỹ thuật số có 2 dạng: một là tiền pháp định (nếu được Ngân hàng Trung ương của một quốc gia phát hành); hai là không phải là tiền pháp định, không chính thống (nếu do các cá nhân, tổ chức khác phát hành, như bitcoin, onecoin, ethereum…), có thể gọi là tiền ảo hoặc tiền mã hóa. Trên thế giới hiện có khoảng 17.000 tiền kỹ thuật số không chính thống như thế này với giá trị vốn hóa khoảng 3.000 tỷ USD, trong đó bitcoin chiếm khoảng 57%.
Đối với việc quản lý tiền kỹ thuật số, các quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận khác nhau.
Với tiền mã hóa, các quốc gia và vùng lãnh thổ có mức độ chấp nhận loại tiền khác nhau, xuất phát từ quan điểm khác nhau về tiền kỹ thuật số nói chung và tiền mã hóa nói riêng. Theo bảng theo dõi của Hội đồng Atlantic (Atlantic council Cryptocurrency Reglation tracker), cập nhật đến tháng 9.2024, khảo sát về cách tiếp cận quản lý tiền kỹ thuật số (không bao gồm tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành) tại 60 quốc gia cho thấy: 33 quốc gia (chiếm 55%, chủ yếu là các nước phát triển) công nhận/cho phép giao dịch; 17 quốc gia (28%) cấm một phần (trong đó có Việt Nam); 10 quốc gia (17%) cấm hoàn toàn.
Với tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBCD), hiện có 134 quốc gia và khu vực (chiếm 98% GDP toàn cầu) đã và đang khám phá CBCD, trong đó: 3 quốc gia đã phát hành (Bahamas, Jamaica and Nigeria); 44 quốc gia đang thử nghiệm (EU, Trung Quốc, Brazil, Australia…); 19 quốc gia đang phát triển; 39 quốc gia đang nghiên cứu (có Việt Nam), 21 quốc gia không thấy gì, 2 quốc gia đã hủy kế hoạch phát hành, 6 quốc gia ở dạng khác…
TS. Cấn Văn Lực gợi ý, hiện, các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Singapore đã áp dụng các mô hình thuế đối với tiền mã hóa. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm này để vừa tận dụng tiềm năng kinh tế vừa thúc đẩy sự minh bạch trong thị trường.
Từ đó, khi các sàn giao dịch trong nước hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, nhà đầu tư sẽ có môi trường giao dịch an toàn hơn, đồng thời hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài thông qua các sàn giao dịch không rõ ràng. Các sàn được cấp phép cần đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về bảo mật thông tin, kỹ thuật, nhân sự, minh bạch tài chính và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
Việt Nam nên áp dụng mô hình “sandbox” như Singapore
Ông Phan Đức Trung – Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, các quốc gia khác, đặc biệt là Singapore, Nhật Bản, và Thụy Sĩ, đang đi đầu trong việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số. Việt Nam có thể học hỏi mô hình quản lý tài sản số từ một số quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, chuyên gia Fintech (tài chính công nghệ) Lê Minh Hải – CEO của Công ty Tài chính Việt cũng đồng tình, cho rằng mỗi mô hình vận hành đều có thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, mô hình tư nhân vận hành với sự giám sát của Nhà nước có lẽ phù hợp nhất với Việt Nam thời điểm này. Bởi đây là mô hình phổ biến tại các quốc gia đã hợp pháp hóa tiền số như Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Các sàn giao dịch tiền số tại đây do doanh nghiệp tư nhân điều hành, nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về vốn, an toàn giao dịch, bảo vệ người dùng