Bộ Công Thương vừa có Báo cáo số 84/BCBCT về Dự thảo Nghị định quy chế về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gửi Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Một trong nhiều nội dung đáng chú ý tại Báo cáo này của Bộ Công Thương là nới khoảng cách xem xét điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân mức khung giá bán lẻ điện.

EVN đưa ra một số các đề xuất về điều chỉnh giá điện (Ảnh: EVN).
Cụ thể, tại Quyết định số 50/2024/QĐ-TTg ban hành tháng 3/2024, cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân năm được Thủ tướng quy định 4 mức từ 1% đến trên 10%.
Trong đó, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3-5%, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan để kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, tại Báo cáo số 84 của Bộ Công Thương gửi Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ này đề xuất: Nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% đến dưới 5% so với mức giá hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến để làm căn cứ cho EVN điều chỉnh giá.
Như vậy, việc Bộ Công Thương đề xuất căn cứ giá bán điện bình quân tăng 2-5%, EVN được lập đề xuất điều chỉnh tăng giá điện bán lẻ là thấp hơn so với mức khung từ 3-5% tại Quyết định 50/2024/QĐ-TTg.
Việc “nới khung” tăng giá điện được Bộ Công Thương lý giải có sự tiếp thu và hiệu chỉnh quy định về tham chiếu bình quân lãi suất liên ngân hàng.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng lấy thêm ý kiến của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến bình quân lãi suất liên ngân hàng thời hạn 6 tháng để làm căn cứ tính toán mức lợi nhuận định mức cho tính toán lợi nhuận cho ngành điện.
Tại Báo cáo này, Bộ Công Thương giữ nguyên đề xuất về thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần thay vì đề xuất 2 tháng/lần như trước đó.
Bộ Công Thương đề xuất sau khi chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương xây dựng đưa ra nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, là hằng năm sau khi EVN công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện, giá bán lẻ bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Cụ thể, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, giá điện bán lẻ được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh tăng.
Nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% đến dưới 5% so với mức giá hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến để làm căn cứ cho EVN điều chỉnh giá.
Với mức tăng từ 5% trở lên đến dưới 10%, EVN được điều chỉnh tăng giá tương ứng sau khi báo cáo Bộ Công Thương và được chấp thuận. Với mức giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 10% trở lên, Bộ Công Thương kiểm tra rà soát lấy ý kiến cá bộ ngành liên quan, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét cho ý kiến.