Tờ Nikkei Asia nhận định “cơn lũ giá rẻ” đang khiến Đông Nam Á tràn ngập các sản phẩm từ Trung Quốc. Năm ngoái, Đông Nam Á và các thị trường châu Á mới nổi đã tiếp nhận đến khoảng một phần ba lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc, theo tính toán của các nhà kinh tế Goldman Sachs, thậm chí, hiện nay, suy thoái kinh tế lan rộng buộc các công ty Trung Quốc phải thanh lý hàng tồn kho với giá cực thấp.
Charles Austin Jordan, một nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của công ty nghiên cứu chính sách Rhodium Group của Hoa Kỳ, cho biết: “Trung Quốc coi đầu tư vào các quốc gia khác là một chiến lược phòng ngừa rủi ro”.
HÀNG HOÁ TRUNG QUỐC TRÀN NGẬP CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Bên cạnh Shopee, sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử như Lazada thuộc sở hữu của Alibaba và TikTok Shop của ByteDance đã tạo cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc một cầu nối mới để tiếp cận khách hàng Đông Nam Á đang tìm kiếm những món hàng với mức giá hời nhất.
“Kênh phân phối lớn nhất cho các doanh nghiệp Trung Quốc là Lazada hoặc Shopee. Với hai kênh phân phối đó, họ thậm chí không cần phải đăng ký công ty tại Thái Lan”, Chaovalit Pakpianthakolphol, chủ tịch hội đồng xúc tiến xuất khẩu SME của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết.
Đứng trước tình hình hàng hoá Trung Quốc ồ ạt tiến vào thị trường, vào tháng 1 năm nay, Malaysia đã áp dụng thuế 10% đối với hàng hóa nước ngoài trực tuyến với giá dưới 108 USD; trong khi đó, trước đây, chỉ những sản phẩm đắt tiền mới bị quốc gia này áp thuế. Và mới đây, Thái Lan cũng đã cách mở rộng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các mặt hàng quốc tế có giá trị dưới 42 USD.
Ristadi, Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Lao động Quốc gia Indonesia, cho biết: “Hàng hóa Trung Quốc tiếp tục chất đống trên cả thị trường truyền thống và trực tuyến”. Đồng thời, William Ng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia, cho biết mức thuế 10% mà nước này áp dụng vào tháng 1 không có nhiều tác động đến dòng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
SẢN PHẨM GIÁ RẺ CỦA TRUNG QUỐC CÁC NHÀ BÁN HÀNG NỘI ĐỊA
Mặc dù Thái Lan đã áp dụng thuế cho các mặt hàng nước ngoài trên các sàn thương mại điện tử, thế nhưng, theo các chuyên gia, điều này không tạo quá nhiều tác động do giá bán của Trung Quốc đã nằm ở mức rất thấp.
Đơn cử như một chiếc ốp lưng điện thoại thông minh bằng silicon hiện có thể được mua trên Lazada với giá chỉ 1 USD. So với các sản phẩm rẻ nhất trong một cửa hàng bách hóa ở Thái Lan, thường có giá lên đến 11,2 USD, vì vậy, mức thuế 7% là không đáng kể đối với những người tiêu dùng ưu tiên tiết kiệm.
Còn tại Việt Nam, các mặt hàng của Trung Quốc từ đồ ăn đến quần áo đang được bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử. Mẫu mã đa dạng trong khi mức giá lại thấp và thời gian giao hàng nhanh, hàng hóa Trung Quốc được nhiều người dùng ưa chuộng.
Thậm chí, nhiều tổng kho hàng hóa thương mại điện tử của Trung Quốc đã và đang được xây dựng ồ ạt sát biên giới Việt Nam nhằm giảm bớt chi phí vận chuyển đồng thời tối ưu thời gian giao hàng đến tay người dùng Việt. Điều này trong tương lai sẽ còn tạo ra nhiều thách thức cạnh tranh hơn cho các nhà bán hàng Việt Nam.
Không chỉ Đông Nam Á, các quốc gia châu Á khác bên ngoài ASEAN cũng đang vật lộn với những vấn đề tương tự. Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đã ghi nhận thâm hụt thương mại đầu tiên với Trung Quốc sau 31 năm vào năm 2023. Người tiêu dùng nước này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế rẻ hơn cho các mặt hàng trong nước cơ bản như đồ gia dụng, quần áo và phụ kiện.