Theo báo cáo mới nhất của QandMe “Vietnam mobile app popularity 2025” (Mức độ phổ biến của ứng dụng di động Việt Nam 2025), thời gian sử dụng điện thoại trung bình mỗi ngày của người Việt là 7,3 giờ và sử dụng gần 29 ứng dụng mỗi tuần.
Trước đó, năm 2024, thời gian sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động của người Việt đã giảm xuống trung bình khoảng 5,5 giờ/ngày, giảm 0,7 giờ so với năm 2023. Tuy nhiên con số này này lại tăng 1,8 giờ trong năm nay.
Trong đó, QandMe chỉ ra rằng phụ nữ dành nhiều thời gian hơn cho các ứng dụng so với nam giới và đối tượng người dùng trẻ tuổi dành nhiều thời gian hơn cho các ứng dụng.
MẠNG XÃ HỘI CHIẾM NHIỀU THỜI GIAN SỬ DỤNG NHẤT TRONG NGÀY
Theo báo cáo này, mạng xã hội được người dùng dành nhiều thời gian nhất để sử dụng (43%), đã giảm nhẹ so với thói quen dùng so với năm ngoái (47%). Tuy nhiên, thời gian sử dụng mạng xã hội theo thời gian thực lại tăng so với năm ngoái, chiếm khoảng 3,1 giờ/ngày, tăng nửa giờ so với năm 2024. Nguyên nhân là vì thời gian sử dụng điện thoại năm nay của người Việt đã tăng.

Trong khi thời gian dành cho việc sử dụng các mạng xã hội giảm xuống, các ứng dụng như nhắn tin lại đang chiếm nhiều thời gian sử dụng của người dùng hơn. Báo cáo nhận định các ứng dụng nhắn tin sẽ được người dùng ưu tiên sử dụng đáng kể trong năm 2025, tăng từ 22% lên 28% về thời lượng dùng.
Tương tự như mạng xã hội, thời gian sử dụng các ứng dụng gọi điện, chơi game, chụp ảnh/chỉnh sửa,… cũng ghi nhận giảm trong năm nay.
Đáng chú ý, thứ hạng các nền tảng mạng xã hội được người Việt dành nhiều thời gian sử dụng nhất có sự “xáo trộn” so với năm 2024. Năm ngoái, trong khi Facebook (33%), TikTok (18%), Zalo (15%), Messenger (7%), Youtube (6%) lần lượt là những ứng dụng được ưu tiên sử dụng.
Năm nay, Zalo, nền tảng nhắn tin của Việt Nam đã chiếm đáng kể thời gian sử dụng điện thoại di động của người dùng, vươn lên vị trí thứ hai về thời gian sử dụng điện thoại, khiến xếp hạng các nền tảng mạng xã hội được người Việt sử dụng nhiều nhất lần lượt là Facebook (24%), Zalo (22%), TikTok (22%), Messenger (6%), Youtube (6%).

Báo cáo năm nay của QandMe có sự đổi mới khi đo lường mức độ dùng ứng dụng Chat GPT của người dùng Việt Nam. Theo đó, trung bình 9% những người tham gia khảo sát cho biết họ dùng Chat GPT mỗi ngày. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng cao đột biến ở nhóm đối tượng khoảng 26 tuổi, hoặc trẻ hơn.
CÁC ỨNG DỤNG TÀI CHÍNH THÂM NHẬP THÓI QUEN SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CỦA NGƯỜI VIỆT
Thông qua khảo sát, Q&Me cho biết 88% số người được hỏi cho biết họ đang sử dụng thanh toán di động hoặc ứng dụng ngân hàng trực tuyến mỗi ngày. Các ứng dụng thanh toán di động duy trì tỷ lệ sử dụng ổn định qua mỗi năm. Điều này cho thấy mức độ thâm nhập của các ứng dụng tài chính ngày càng tăng trong cuộc sống của người Việt Nam trong những năm gần đây.
Trong đó, tương tự năm ngoái, Techcombank tiếp tục là ngân hàng được người Việt sử dụng nhiều nhất, đồng thời cũng là ứng dụng tài chính duy nhất được xếp trong nhóm 10 ứng dụng có thời gian sử dụng nhiều nhất của người Việt.

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng 10 ứng dụng mà người Việt có tần suất sử dụng nhiều nhất, Momo là ứng dụng tài chính khác cũng đã góp mặt, xếp vị trí thứ 9, sau một bậc so với ứng dụng ngân hàng của Techcombank.
Trong xếp hạng ứng dụng vận chuyển (bao gồm cả gọi xe và giao đồ ăn), Grab và Be dẫn đầu danh mục. Trong đó, Grab giữ vị trí đầu bảng với tỷ lệ sử dụng thường xuyên là 29%, xếp ngay sau đó là Be (17%) và thứ hạng thứ ba thuộc về XanhSM (10%).
Về hạng mục phát video trực tuyến, YouTube tiếp tục giữ vị trí số 1 với 75% người tham gia khảo sát sử dụng mỗi ngày. Năm nay, FPT Play không còn xuất hiện trong nhóm 5 ứng dụng được sử nhiều nhất, thay vào đó, Pure Tuber it (một ứng dụng nghe nhạc và xem video của Ấn Độ) đã xuất hiện trong danh sách, xếp vị trí thứ ba về mức độ sử dụng, xếp sau Netflix, và đứng trước nền tảng OTT của Việt Nam VieON.
Ngoài ra, với hạng mục trò chơi, Liên Quân Mobile liên tiếp 3 năm dẫn đầu về mức độ sử dụng của người Việt, xếp sau lần lượt là Candy Crush, Teamfight Tactics, PUBG Mobile và Cooking Craze.