Hơn 1400 học sinh, sinh viên, đại biểu đã tham gia triển lãm và thảo luận về thách thức và cơ hội việc làm tương lai cho phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam trong các ngành công nghệ và STEM. Chương trình do Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) và Thành đoàn Hà Nội thực hiện với tên gọi “Đối thoại về tương lai số: Phụ nữ và trẻ em gái trong ngành công nghệ và STEM”.
Chương trình đã thu hút gần 1.400 đại biểu từ các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước, khối trường đại học,cao đẳng, các tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam, và hàng nghìn nữ sinh ngành công nghệ tham gia.
Theo chương trình Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay, Việt Nam có hơn một triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT), đóng góp 14,3% GDP. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu lao động ICT sẽ đạt 2,5 triệu người. Đáng chú ý, khoảng 37% lực lượng lao động trong ngành công nghệ tại Việt Nam là nữ, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 25%.
Còn theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 37% lực lượng nhân sự ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam là nữ, cao hơn so với mặt bằng thế giới (25%). Sự đa dạng về giới tính cũng là yếu tố được các hãng công nghệ trong nước và nước ngoài quan tâm nhằm giúp họ tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn và phù hợp với đại đa số người dùng.
Tuy nhiên, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí khác như: thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như nhân viên phát triển phần mềm.
Có nhiều lý do dẫn đến việc tỉ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ và STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) này còn hạn chế, như: còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ; vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ.
Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam hiện nay.
Phát biểu tại sự kiên, bà Vũ Thu Hồng, Cán bộ chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của UN Women, cho biết các lĩnh vực STEM đang định hình công việc tương lai và sự tiến bộ của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghiệp hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo.
“Tuy nhiên, trên toàn cầu và ngay tại Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang bị thiếu đại diện trong những lĩnh vực then chốt này. Trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em gái không bị bỏ lại phía sau trong tương lai số”, bà Vũ Thu Hồng nói.
Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, khẳng định trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong STEM không chỉ là vấn đề bình đẳng, mà còn là chất xúc tác cho sự đổi mới, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Bằng cách đầu tư vào tài năng thế hệ trẻ Việt Nam, chúng ta đang đầu tư vào một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta.
Đối thoại được tổ chức với mục đích tăng cường động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, tham gia vào STEM; khắc phục rào cản và cung cấp các cơ hội như học bổng, thực tập, hỗ trợ khởi nghiệp và tài nguyên.
Chương trình cũng nhấn mạnh các hướng tiếp cận có tính bao trùm, không phân biệt nhằm tạo điều kiện tối đa hỗ trợ phụ nữ và thanh niên nữ đóng góp cho mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết sự kiện hôm nay sẽ là chất xúc tác cho các cuộc thảo luận và những ý tưởng hợp tác mới. “Chúng ta hãy tiếp tục hợp tác để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam”, bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam nhấn mạnh.