Ngành TT&TT có những bứt phá mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ TT&TT năm 2023, ông Đỗ Công Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ TT&TT cho biết, những năm qua, ngành TT&TT đã có sự phát triển bứt phá. Những bước phát triển này của ngành TT&TT đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, được Đảng và Nhà nước giao với những thành tựu quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành đề ra đều đạt được hoặc vượt.
Giám đốc Trung tâm Thông tin cung cấp số liệu, năm 2022, doanh thu toàn ngành TT&TT đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.
Theo đó, tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 3.016.617 tỷ đồng. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 79.014 tỷ đồng.
“Để đạt được những kết quả đó, công tác thông tin, truyền thông đã có những đóng góp không nhỏ”. ông Công Anh nhấn mạnh.
Trong đó, sự tham gia trực tiếp, tích cực của những người làm công tác thông tin, truyền thông toàn ngành; của các nhà báo, phóng viên chuyên trách truyền thông về Bộ, về ngành TT&TT tại các cơ quan báo chí.
Công bố mạng lưới truyền thông ngành Thông tin và Truyền thông
Trong khuôn khổ Hội nghi tập huấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin đã chính thức công bố hình thành Mạng lưới truyền thông ngành Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, Bộ TT&TT đã xây dựng được mạng lưới truyền thông thống nhất, kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ, của ngành với các cơ quan báo chí. Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT bao gồm:
32 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều có đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách về truyền thông và phối hợp thường xuyên với TT&TT để bảo đảm trao đổi, cung cấp kịp thời những thông tin chính thống phục vụ công tác truyền thông.
63/63 Sở TT&TT đều có lãnh đạo Sở và cán bộ phụ trách truyền thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin của Bộ để thực hiện thống nhất nội dung truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành và các địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, có sự tham gia của gần 80 nhà báo, phóng viên chuyên trách của trên 50 cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng phục vụ tốt công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động để làm nên những thành công bước đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trọng trách của Bộ, của ngành TT&TT được Đảng, Nhà nước giao.
Ông Công Anh cho biết, các phóng viên thường rất xông xáo, chủ động thiết lập quan hệ và mỗi phóng viên sẽ có mạng lưới riêng của mình gồm các phóng viên báo bạn và các đầu mối thân thiết ở các đơn vị chuyên môn.
Với các đơn vị chuyên môn, có đơn vị rất chủ động, phân công lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác truyền thông. Làm việc gì cũng chuẩn bị sẵn thông tin, tư liệu. Cũng chủ động thiết lập nhóm truyền thông và cung cấp thông tin.
Ở chiều ngược lại, hiện cũng có những đơn vị chưa chủ động, chưa chú trọng hoặc quan tâm đến công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách của ngành, của Bộ và có trường hợp thậm chí né tránh hoặc không muốn tiếp xúc với giới truyền thông.
Tương tự, có những Sở TT&TT rất chủ động và cũng có có những Sở thì chưa quan tâm hoặc có quan tâm nhưng chưa có điều kiện để tạo dựng kết nối với các cơ quan báo chí.
“Kết quả là khi muốn truyền thông về chính sách hoặc về những việc mình làm tốt thì không lan tỏa được. Khi có sự cố thì cũng không biết làm thế nào để xử lý sự cố truyền thông”, ông Công Anh nêu.
Vì vậy, Giám đốc Trung tâm thông tin cho biết, Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT hình thành nhằm thông tin để truyền thông cần sẵn sàng và luân chuyển thông suốt trong mạng lưới. Thông tin phải rõ ràng, dễ hiểu để đạt được hiệu quả truyền thông; thông tin chỉ dễ lan tỏa khi nó là một câu chuyện.
Thành viên của mạng lưới cởi mở, chia sẻ, đồng cảm và cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành, phát triển đất nước; giải quyết được các vấn đề xã hội, người dân, doanh nghiệp quan tâm; Bên cạnh tính phản biện luôn kèm theo đề xuất; và cuối cùng là phục vụ cho chính công việc, nhiệm vụ của từng thành viên.
Đồng thời, nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh truyền thông về các lĩnh vực hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực TT&TT có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tại Hội nghị, các đại biểu lắng nghe lãnh đạo đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ TT&TT trình bày các tham luận chuyên đề về: Kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; yêu cầu, nhiệm vụ của công tác truyền và truyền thông chính sách; nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh với tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; phát triển Kinh tế số – Xã hội số trong thời kỳ mới và các nội dung được xã hội, dư luận quan tâm; An toàn thông tin trong tình hình mới.
Nhắc lại lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Ngành TT&TT tạo thành một đôi cánh: Một cánh là công nghệ số và một cánh là báo chí, truyền thông; đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa, dựa trên sức mạnh nội lực vật chất và tinh thần”.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển Thông tin và Truyền thông trở thành ngành tiên phong, đi đầu, dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số quốc gia, “công cuộc Đổi mới lần thứ hai” của toàn ngành, công tác thông tin, truyền thông đóng vai trò và ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn ngành, đưa những thông điệp, định hướng, chiến lược, chính sách của Bộ tới công chúng một cách nhanh chóng nhất. Với những thông tin, kiến thức thiết thực và hữu ích được truyền đạt và tiếp nhận, ông Công Anh tin rằng công tác truyền thông sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự đồng thuận, phát triển của toàn ngành.