VNHNThanh Hóa đã khẳng định là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với cách làm bài bản, sáng tạo, huy động hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân.
Thanh Hóa đã khẳng định là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với cách làm bài bản, sáng tạo, huy động hiệu quả sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân. Những kết quả đạt được không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, khẳng định vị thế vững chắc của Thanh Hóa trong tiến trình phát triển bền vững.
Nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách kịp thời của Nhà nước và sự đồng lòng, góp sức của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa đạt nhiều thành tựu nổi bật. Từ những bản vùng biên đến vùng đồng bằng, diện mạo nông thôn đổi thay rõ nét, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Những con số ấn tượng
Tính đến giữa năm 2025: Toàn tỉnh có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tổng nguồn lực huy động cho chương trình NTM giai đoạn 2010 – 2025 tại Thanh Hóa ước đạt trên 29.695 tỷ đồng; 374/449 xã, 831 thôn, bản đạt chuẩn NTM (đã xóa trắng NTM ở huyện Mường Lát); 4 huyện, 125 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã, 629 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Có 645 sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Thanh Hóa cũng là tỉnh có 4 huyện NTM nâng cao đầu tiên của Khu vực Bắc Trung Bộ, và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về số lượng xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao.
Đổi thay rõ nét từng ngày
Từ những làng quê còn nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn ở Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc: 100% xã có đường giao thông đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, điện lưới quốc gia phủ kín, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. Các mô hình HTX kiểu mới, vùng sản xuất tập trung, làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, góp phần tăng thu nhập bình quân khu vực nông thôn lên 63,50 triệu đồng/người/năm. Song song với phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy; môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp, an toàn; an ninh trật tự được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố vững chắc.

Tư duy mới – Cách làm mới
Thanh Hóa không chạy theo thành tích mà chú trọng chất lượng thực chất, lâu dài. Công tác chỉ đạo, điều hành được đổi mới theo hướng phân cấp, giao quyền rõ ràng, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để các xã đặc biệt khó khăn vươn lên. Các phong trào như “Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”, “Ngày thứ Bảy nông thôn mới”, “Thắp sáng đường quê”,… lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030 có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 50% xã đạt chuẩn nâng cao, 20% xã đạt chuẩn kiểu mẫu; Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn thông minh, nông dân chuyên nghiệp, gắn với chuyển đổi số và liên kết vùng, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa.
Phong trào hiến đất, đóng góp xây dựng NTM tại Thanh Hóa được lan tỏa sâu rộng. Song song với đó, các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng NTM được triển khai hiệu quả và toàn diện, nổi bật như: Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn thông minh; bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; ứng dụng khoa học – công nghệ; nâng cao chất lượng tiêu chí an ninh – trật tự. Riêng chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh đã có 645 sản phẩm được công nhận, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia là nước mắm và mắm tôm Lê Gia.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa, kết quả đạt được trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường; sản xuất phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị; các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư; môi trường từng bước được cải thiện; an ninh – trật tự được giữ vững; diện mạo nông thôn đổi thay rõ nét theo hướng hiện đại, văn minh.
Đặc biệt, sau khi hoàn tất việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cần sớm lập và phê duyệt quy hoạch phát triển đồng bộ, xác định rõ mục tiêu, lộ trình, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng đến mục tiêu xây dựng NTM toàn diện, nâng cao và bền vững, theo đúng phương châm: “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
Chặng đường xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa là minh chứng rõ nét cho sự bền bỉ, quyết tâm và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Với nền tảng vững chắc đã đạt được, Thanh Hóa đang từng bước khẳng định vị thế là điểm sáng của cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc./.