VNHNTừ ngày 1/7/2025 Phú Quốc chính thức trở thành đặc khu hành chính – kinh tế thuộc tỉnh An Giang, cùng với hai đặc khu Thổ Châu và Kiên Hải, sau khi sáp nhập Kiên Giang – An Giang.

Từ ngày 1/7/2025, Phú Quốc chính thức trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh An Giang sau quá trình sáp nhập Kiên Giang và An Giang – Ảnh: TL
Đặc khu Phú Quốc có diện tích hơn 589 km², gồm toàn bộ 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã cũ (Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn).
Được xác lập là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đặc khu Phú Quốc giữ vai trò chiến lược trên nhiều lĩnh vực: là trung tâm kinh tế biển, đầu tàu phát triển du lịch, điểm thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc khu được trao quyền xử lý nhanh các vấn đề quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, nhân sự… giảm bớt thủ tục, tháo gỡ điểm nghẽn khu vực hành chính – kinh tế. Đặc khu ưu tiên các ngành xanh – du lịch sinh thái, công nghệ cao, năng lượng tái tạo và bảo tồn hệ sinh thái biển (san hô, rùa, dugong…)
Việc Phú Quốc chính thức trở thành đặc khu (từ ngày 1/7/2025) khởi đầu một giai đoạn phát triển mới, đột phá về hành chính, hạ tầng, và kinh tế — đặc biệt trong các lĩnh vực biển và du lịch. Việc trở thành đặc khu giúp Phú Quốc được trao quyền tự chủ cao hơn về đầu tư, tài chính và hành chính, tạo điều kiện tinh gọn bộ máy, giải quyết nhanh thủ tục, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát sao quá trình chuyển đổi để đánh giá hiệu quả trong thực tiễn và cẩn trọng khi đầu tư bất động sản.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chiến lược phát triển Phú Quốc cần định hình rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư, xây dựng mô hình quản lý đặc khu phù hợp với kinh tế biển, du lịch và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu là đưa Phú Quốc trở thành trung tâm sinh thái, nghỉ dưỡng, tài chính và sáng tạo tầm quốc tế.

Trong những năm qua, Phú Quốc không chỉ gây ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà còn là mức độ yêu thích của khách quốc tế với hòn đảo này – Ảnh: TL
Việc được chọn làm điểm đăng cai APEC 2027 đã “như hổ mọc thêm cánh” cho Phú Quốc. Hơn 20 dự án hạ tầng, xã hội và du lịch với tổng vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ tạo cú bật lớn, đưa Phú Quốc trở thành điểm đến hàng đầu châu Á, sánh vai với Bali (Indonesia) hay Singapore.
Ngày 2/7, thông tin từ đặc khu Phú Quốc cho biết bà Đặng Thị Hồng Gấm – Chủ tịch HĐND đặc khu Phú Quốc – đã ký nghị quyết về việc đổi 29 ấp thuộc các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Gành Dầu, Cửa Dương, Cửa Cạn và Bãi Thơm, TP Phú Quốc (cũ) thành 29 khu phố thuộc đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang.
Giai đoạn 2011–2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương tăng >38%/năm, gấp 6 lần bình quân quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2025, đón ~4,5 triệu lượt khách (tăng 33,3%), trong đó khoảng 900.000 lượt khách quốc tế (tăng 76,7%), doanh thu ước đạt 21.588 tỷ đồng (tăng 92,6%). Hơn 300 dự án đã và đang triển khai, từ sân bay, cảng biển đến du lịch nghỉ dưỡng với sự tham gia của các “ông lớn” như Sun Group, Vingroup, BIM và các thương hiệu quốc tế như Marriott, Accor, Hilton… .
Hiện địa phương đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn để phục vụ sự kiện, tạo cú hích nâng cao chất lượng và danh tiếng quốc tế của đặc khu./.