Thứ sáu, 28/07/2023 13:44 (GMT+7)
–Ngày 25/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn số 10665/UBND- THKH về việc chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, đấu thầu qua mạng được các đơn vị quan tâm, triển khai mạnh mẽ, đảm bảo theo đúng tỷ lệ và lộ trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, tỷ lệ các gói thầu đấu thầu qua mạng luôn nằm trong các tỉnh đứng đầu cả nước, môi trường đấu thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, cụ thể là: Một số chủ đầu tư, bên mời thầu phê duyệt hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu chưa đảm bảo theo quy định, còn mang tính chủ quan dẫn đến phải điều chỉnh hoặc tổ chức đấu thầu lại làm kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu; còn có hiện tượng gian lận trong hoạt động đấu thầu; một số chủ đầu tư, bên mời thầu để xảy ra khiếu kiện trong đấu thầu kéo dài; đăng tải thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo thời gian theo quy định; công tác giải quyết kiến nghị thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư còn chậm trễ, đôi lúc chưa hợp lý dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; một số gói thầu phê duyệt các bước trong lựa chọn nhà thầu chưa đúng thẩm quyền; tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu chưa cao…
Do đó, để kịp thời khắc phục các hạn chế, chấn chỉnh và tăng cường hiệu
quả công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng,
minh bạch và hiệu quả kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở,
Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành, khu vực, các chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện tốt các nội dung sau.
Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả vàđẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 06/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; văn bản số 13671/UBND-THKH ngày 10/10/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nghiêm lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo đúng tỷ lệ và lộ trình quy định tại Điều 37 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trường hợp tổng số các gói thầu trong hạn mức phải đấu thầu qua mạng không đảm bảo theo tỷ lệ theo quy định nêu trên thì phải tiếp tục thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với các gói thầu vượt hạn mức.
Về lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT ngày 26/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các quy định hiện hành, đảm bảo đúng thẩm quyền.
Riêng các gói thầu có trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc ngoài nội dung phải tuân thủ theo quy định của pháp luật đấu thầu phải thực hiện thêm các quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Thông tư số 15/2019/TTBYT ngày 11/7/2019, Thông tư số 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 và Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Về cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu, các chủ đầu tư/bên mời thầu nghiêm túc thực hiện công khai đầy đủ các thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu,… đảm bảo thời gian đăng tải và đầy đủ thông tin (file đính kèm và các thông tin liên quan) theo đúng quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT; Việc sửa đổi thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, ETBMQT, E-TBMST, thông báo mời thầu, E-TBMT chỉ được thực hiện trước thời điểm đóng thầu, không được sửa đổi sau thời điểm đóng thầu, trừ trường hợp không có nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, E-HSQT, EHSDST, hồ sơ dự thầu, E-HSDT (Điều 13 và Điều 16 Thông tư số 08/2022/TTBKHĐT).
Đối với gói thầu không qua mạng, trường hợp sau khi phát hành có sửa đổi hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải đăng tải các tài liệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14, khoản 2 Điều 17 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT; Chủ đầu tư, bên mời thầu sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng phải yêu cầu nhà thầu thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và Điều 11 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.
Việc thẩm định, phê duyệt HSMST, HSMT/HSYC, E-HSMST, EHSMT phải đảm bảo đúng thẩm quyền; Trong HSMST, HSMT/HSYC, E-HSMST, EHSMT lập phải đầy đủ nội dung yêu cầu theo đúng mẫu quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu được quy định nhằm đưa tiêu chí yêu cầu không phù hợp, không rõ ràng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc chuẩn bị HSDT/HSĐX, HSDST,… làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu; các tiêu chí đánh giá trong HSMST, HSMT/HSYC, E-HSMST, EHSMT phải đảm bảo theo quy định tại Phụ lục 9 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.
Đối với việc đánh giá HSDT/HSĐX, E-HSDST, E-HSĐXKT, EHSĐXTC, Chủ đầu tư/bên mời thầu chịu trách nhiệm lựa chọn các đơn vị tư vấn đấu thầu đảm bảo năng lực, kinh nghiệm và uy tín của nhà thầu; tránh lựa chọn các đơn vị tư vấn đấu thầu có nhiều cuộc thầu bị khiếu kiện kéo dài; Việc đánh giá HSDT/HSĐX, E-HSDST, E-HSĐXKT, E-HSĐXTC phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá trong HSMST, HSMT/HSYC, E-HSMST, E-HSMT, tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác liên quan; tuyệt đối không thiên vị hoặc gây khó khăn cho bất kỳ nhà thầu nào trong quá trình đánh giá; cần phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh tính hợp pháp của các tài liệu nhà thầu gửi kèm theo hồ sơ tham dự thầu để đảm bảo nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn đáp ứng năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu và đặc biệt là uy tín của nhà thầu.
Việc làm rõ HSDT/HSĐX, E-HSDST, E-HSĐXKT, E-HSĐXTC phải được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các quy định hiện hành. Không được loại nhà thầu, nhà đầu tư tại bước kiểm tra tính hợp lệ do thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm khi chưa thực hiện làm rõ HSDT/HSĐX, E-HSDST; nghiêm cấm việc làm rõ HSDT/HSĐX, E-HSDST, E-HSĐXKT, E-HSĐXTC dẫn đến thay đổi bản chất của nhà thầu/nhà đầu tư tham dự thầu, nội dung cơ bản của hồ sơ đã nộp; không được yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ gốc (nếu nhà thầu đã kê khai đầy đủ theo yêu cầu) trong quá trình đánh giá; việc làm rõ chỉ được gửi đến nhà thầu có hồ sơ cần làm rõ, không được tiết lộ thông tin hồ sơ tham dự thầu giữa các nhà thầu;
Đối với gói thầu xây lắp, nếu nhà thầu không đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng công trình không phải là lý do loại bỏ nhà thầu (kể cả
trường hợp HSMT có yêu cầu nhà thầu phải có chứng chỉ này). E-HSDT của
nhà thầu vẫn phải được tiếp tục xem xét, đánh giá và được xét trúng thầu. Trường hợp trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình chứng chỉ năng lực hoạt động
xây dựng công trình trước khi trao hợp đồng (Điều 28 Thông tư số 08/2022/TTBKHĐT).
Đối với việc thẩm định các nội dung trong đấu thầu, Công tác thẩm định phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, trung thực, khách quan, công bằng, phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn; báo cáo thẩm định phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định, có nhận xét, đánh giá đối với từng nội dung cụ thể và có kiến nghị phù hợp với quy định pháp luật. Trường hợp thuê tư vấn thẩm định, chủ đầu tư/bên mời thầu phải thực hiện rà soát, kiểm tra lại việc thẩm định của đơn vị tư vấn và đánh giá hồ sơ của tư vấn đấu thầu, đảm bảo theo các quy định về đấu thầu.
Đối với công tác phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và việc ký kết, thực hiện hợp đồng; Việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với nhà thầu đảm bảo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật. Bên mời thầu phải đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu và đính kèm các tài liệu theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT trên Hệ thống trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Về giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại trong đấu thầu và xử lý vi phạm trong đấu thầu; Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và đăng tải công khai các hành vi vi phạm theo đúng quy định; Người đứng đầu chủ đầu tư, Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố được phân công phụ trách trực tiếp công tác quản lý đấu thầu, chịu trách nhiệm về công tác đấu thầu và giao nhiệm vụ cho đơn vị, phòng, ban trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của đơn vị, ngành, địa phương mình; thực hiện việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, thời gian theo quy định; trả lời kiến
nghị của nhà thầu đảm bảo rõ ràng, cụ thể, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; xử lý theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại của nhà thầu và để xảy ra vi phạm trong công tác đấu thầu trong phạm vi quản lý của đơn vị, ngành, địa phương mình.
Chủ đầu tư/bên mời thầu phải yêu cầu đơn vị tư vấn/Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ tham dự thầu phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kịp thời phát hiện hồ sơ sử dụng hợp đồng tương tự không hợp lệ, các tài liệu giả mạo, kê khai không trung thực,… để kịp thời xử lý nghiêm, kiên quyết cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các nhà thầu gian lận khi tham dự thầu (trường hợp, qua kiểm tra, thanh tra phát hiện các hành vi gian lận mà chủ đầu tư/bên mời thầu không xử lý hoặc không đề xuất xử lý vi phạm thì người đứng đầu chủ đầu tư/bên mời thầu sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định); Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành, khu vực chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp để xảy ra vi phạm trong phạm vi quản lý của mình.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh; định kỳ đánh giá, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện và tổng hợp các khó khăn vướng mắc (nếu có) của các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.