Kho bạc Nhà nước tiếp tục mở rộng công nghệ ký số từ xa trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh tư liệu |
Gần chạm đích
Chia sẻ về chặng đường đi tới kho bạc “3 không”, ông Nguyễn Văn Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, với mục tiêu “không khách hàng giao dịch trực tiếp” và “không chứng từ giấy”, trong năm 2024, KBNN tiếp tục vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) hoạt động ổn định, thông suốt. 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN đã được cung cấp DVCTT toàn trình và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) thuộc đối tượng bắt buộc đã đăng ký tham gia DVCTT tại KBNN. Năm 2024, tỷ lệ chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua DVCTT đạt trên 99,6% tổng giao dịch qua KBNN.
Tuân thủ nghiêm các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt Thời gian qua, KBNN đã đặc biệt tuân thủ quy đinh về các nội dung được phép chi bằng tiền mặt. Các ĐVSDNS có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong 1 lần giao dịch thì thực hiện rút tiền mặt tại NHTM nơi KBNN mở tài khoản; các đơn vị, tổ chức có tài khoản tại NHTM phải thực hiện nộp NSNN bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… |
Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục mở rộng công nghệ ký số từ xa trên DVCTT tại các ĐVSDNS trên toàn quốc. Đây là công nghệ ký số thế hệ mới cho phép người dùng không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký số (USB token)…
Ngoài ra, KBNN đã nâng cấp hệ thống DVCTT để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể truy cập vào Cổng trao đổi dữ liệu của KBNN lấy thông tin bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của các ĐVSDNS.
Theo ông Quang, với những giải pháp trên, KBNN đã đạt rất gần tới mục tiêu không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy bởi vẫn còn một số đơn vị giao dịch với những đặc điểm đặc thù chưa bắt buộc tham gia DVCTT nên vẫn còn một tỷ lệ nhỏ khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại KBNN và chứng từ giấy vẫn còn được sử dụng với những giao dịch này.
Với mục tiêu “không tiền mặt”, trong năm 2024, KBNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đến năm 2025. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi NSNN qua hệ thống KBNN đã góp phần làm giảm số tiền và tỷ trọng thu, chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu, chi NSNN qua KBNN. Cụ thể, tỷ lệ thu NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,057% (giảm 0,012% so với năm 2023); tỷ lệ chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng chi NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,06% (giảm 0,037% so với năm 2023). “Như vậy, KBNN cũng đã tiến rất gần tới mục tiêu không tiền mặt” – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế nhấn mạnh.
Vượt khó khăn để hoàn thiện kho bạc 3 không
Lý giải cho việc chưa chạm đích kho bạc 3 không, ông Quang cho biết, hiện vẫn còn một số khó khăn khiến cho mục tiêu chưa đạt được.
Đơn cử như tại Luật Quản lý thuế có quy định, người nộp NSNN có thể lựa chọn nộp bằng tiền mặt tại trụ sở các đơn vị KBNN. Do đó, vẫn cho phép hoạt động thu bằng tiền mặt tại KBNN.
Bên cạnh đó, chưa có căn cứ pháp lý cho phép KBNN thu phí đối với các khoản nộp NSNN bằng tiền mặt, trong khi các NHTM đều đang thu phí dịch vụ thanh toán bằng tiền mặt. Do đó đã dẫn tới việc người nộp NSNN thường lựa chọn KBNN để nộp tiền mặt thay vì đến các NHTM.
Mặt khác, tại các hệ thống NHTM, phí nộp tiền mặt chuyển đi thường cao hơn phí rút tiền mặt. Vì thế, người nộp NSNN thường rút tiền mặt từ NHTM và nộp tiền mặt tại KBNN để không phải trả phí…
Hơn nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt (máy ATM; điểm bán hàng hóa, dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ) hầu hết chỉ đáp ứng nhu cầu tại trung tâm các thành phố, thị xã, thị trấn…, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… cũng như các xã xa trung tâm thành phố, thị xã, quận, huyện.
Để khắc phục tình trạng này, hoàn thiện kho bạc 3 không, ông Quang cho biết, trong năm 2025, KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống. Cùng với đó, KBNN sẽ nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông; nghiên cứu để hoàn thiện các hệ thống thanh toán phù hợp với lộ trình xây dựng mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại NHTM.
Ông Quang còn cho biết thêm, thời gian tới, KBNN sẽ đẩy mạnh thu, chi qua KBNN bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống ngân hàng thương mại. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản. Song song với đó sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và sắp xếp vị trí việc làm trong hệ thống KBNN đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Kho bạc Nhà nước thực hiện các giải pháp để thu, chi không dùng tiền mặt Theo báo cáo từ KBNN, để thực hiện thành công phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, KBNN đã mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu NSNN (tài khoản chuyên thu, tài khoản thanh toán) của KBNN tại các NHTM tham gia tham gia thanh toán song phương điện tử hoặc thu qua thanh toán liên ngân hàng; đẩy mạnh phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM với nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là ủy nhiệm thu bằng tiền mặt. Đến cuối năm 2024, KBNN đã thực hiện phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với 21 NHTM với 3.475 tài khoản mở tại các NHTM. KBNN cũng triển khai lắp đặt và sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại các đơn vị KBNN để phục vụ thu NSNN. Đến hết năm 2024, hệ thống KBNN có 111 máy POS được lắp đặt tại 23 đơn vị KBNN cấp tỉnh và 87 đơn vị KBNN cấp huyện, góp phần đa dạng hóa phương thức thu nộp NSNN, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người nộp NSNN có sử dụng thẻ ngân hàng, góp phần giảm số thu bằng tiền mặt tại KBNN. Về lĩnh vực chi NSNN, KBNN đã kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát chi NSNN và kiểm soát chi bằng tiền mặt; từng bước chuyển hoạt động chi NSNN bằng tiền mặt sang các NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán. Đồng thời, KBNN đã nghiên cứu các tiêu chí đánh giá địa bàn có thể mở rộng phạm vi bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản để tiếp tục phối hợp với NHNN và các NHTM khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ của các hệ thống NHTM tại từng địa bàn, báo cáo Bộ Tài chính về việc mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo thống kê từ KBNN, đến nay, số địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN là 1.940/10.641 địa bàn cấp xã, đạt tỷ lệ 18,2%. Tổng số ĐVSDNS đã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản là 80.961 đơn vị, đạt 96,76%. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hợp đồng và cán bộ khác hưởng lương từ NSNN (không bao gồm quân số của các đơn vị an ninh – quốc phòng) đã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản là 2.634.291 người, đạt 96,85%. Tại các địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản, số ĐVSDNS đã thực hiện là 35.417 đơn vị, đạt 99%. |