Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 406.637 tấn cà phê, kim ngạch đạt 2,28 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng, nhưng tăng tới 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường xuất khẩu cà phê trong hai tháng đầu năm 2025, Đức là thị trường lớn nhất, với 278 triệu USD (tăng 79%); Italy đứng thứ hai với 171 triệu USD (tăng 31%); tiếp theo là Nhật Bản: 127 triệu USD (tăng 56%); Hoa Kỳ: 120 triệu USD (tăng 53%); Tây Ban Nha: 117 triệu USD (tăng 29%)…
GIÁ CÀ PHÊ XUẤT KHẨU TĂNG NHANH
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính trong quý đầu của năm 2025, xuất khẩu cà phê sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD; nếu mức giá này duy trì được trong 3 quý còn lại, cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 8 tỷ USD.
Về nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng vọt, Vicofa cho biết đó là nhờ giá tăng tới 73%, từ 3.228 USD/tấn tại quý 1/2024 lên 5.614 USD/tấn trong quý 1/2025. Nếu như giai đoạn 2010-2023, giá cà phê xuất khẩu bình quân của nước ta thường chỉ dao động trên dưới 2.000 USD/tấn, thì từ đầu năm 2024 đến nay liên tục “vượt dốc”, thậm chí có những thời điểm tăng “dựng đứng”.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,34 triệu tấn cà phê, lập kỷ lục về kim ngạch, với 5,62 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân của năm 2024 cũng thiết lập mốc kỷ lục 4.177 USD/tấn, tăng 59% so với mức giá xuất khẩu bình quân 2.613 USD/tấn của năm 2023.

Trong quý 1/2025, giá xuất khẩu cà phê bình quân của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, lên hơn 5.600 USD/tấn. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong nửa đầu tháng 3/2025 lên tới 5.798 USD/tấn. Với đà này, mốc 6.000 USD/tấn có thể sẽ được thiết lập trong thời gian tới.
Về giá cà phê trong nước, trong gần hai thập kỷ, nông dân trồng cà phê Robusta ở Tây Nguyên chỉ bán được sản phẩm với giá trên dưới 40 triệu đồng/tấn, nhưng trong hai năm qua, giá cà phê đã tăng gấp 3,5 lần. Đến thời điểm này, nông dân trồng cà phê Robusta ở Tây Nguyên bán sản phẩm với giá trên dưới 134 triệu đồng/tấn.
Lý giải nguyên nhân khiến giá cà phê liên tục phi mã, các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Chính phủ của Tổng thống Trump chưa tăng thuế đối với cà phê từ châu Mỹ, nhưng những lo ngại về việc Hoa Kỳ sẽ tăng thuế đang khiến các thương nhân tại quốc gia này gia tăng nhập khẩu cà phê để chạy trước thuế. Hiệp hội Cà phê quốc gia Hoa Kỳ (NCA) nhận định, nếu Hoa Kỳ đánh thuế cao lên cà phê Brazil và cà phê từ các nước Bắc Mỹ, giá cà phê ở thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng vọt.
Phần lớn các phân tích đưa ra nhận định rằng giá cà phê tăng cao là do khối lượng xuất khẩu đều giảm từ hai quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam. Giá cà phê Arabica xuất khẩu của Brazil đang quay cuồng “vũ điệu Samba”, hiện đã lên mức 8.600-8.800 USD/tấn, mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay.
THIẾU HỤT NGUỒN CUNG ĐẨY GIÁ TĂNG CAO
Theo báo cáo của Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê nhân của Brazil trong tháng 2/2025 đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2024, xuống còn 3 triệu bao. Tương tự, Cơ quan dự báo mùa vụ của Chính phủ Brazil (Conab) cũng đưa ra dự báo rằng sản lượng cà phê niên vụ 2025/26 của Brazil sẽ giảm 4,4% so với niên vụ trước, xuống mức thấp nhất trong ba năm. Nguyên nhân là do tác động của thời tiết khô hạn El Nino năm 2024, có thể dẫn đến thiệt hại lâu dài cho vụ cà phê ở Nam và Trung Mỹ.
“Trong 15 ngày đầu tháng 3/2025, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 93.898 tấn, với kim ngạch 545 triệu USD, giảm 7,4% về khối lượng, nhưng tăng tới 54,2% về kim ngạch so với nửa đầu tháng 3/2024”.
Cục Hải quan.
Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố trong trung tuần tháng 3/2025 cho biết giá cà phê Arabica và Robusta tăng cao kỷ lục hiện nay không phải do sự điều chỉnh của lạm phát, mà nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất. Thế giới cũng đang lo ngại về sự sụt giảm sản lượng cà phê tại Việt Nam. Thực tế, trong hai tháng đầu năm 2025, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Về nguyên nhân, Vicofa cho biết khoảng hơn hai năm trước, do giá bán thấp, chi phí đầu tư cao nên nhiều nhà vườn đã bỏ canh tác cà phê để chuyển sang các loại cây trồng khác như sầu riêng, mắc ca, chanh leo… khiến diện tích trồng cũng như sản lượng cà phê giảm. Hơn nữa, thời tiết El Nino khiến sản lượng cà phê của Việt Nam giảm liên tục trong bốn năm gần đây, kéo theo khối lượng xuất khẩu sụt giảm.
PHẢI NHANH CHÓNG THÍCH ỨNG VỚI EUDR
Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 41% sản lượng. Tuy nhiên, EU đã đưa ra quy định chống phá rừng (EUDR), theo đó từ ngày 30/12/2024 yêu cầu các mặt hàng như cà phê, cao su, gỗ, ca cao… xuất khẩu vào EU phải truy xuất nguồn gốc, không liên quan đến phá rừng sau ngày 31/12/2020. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị phạt đến 4% doanh thu và bị loại khỏi thị trường EU. Sau đó, EU quyết định gia hạn thực thi EUDR thêm 12 tháng, lùi mốc áp dụng với doanh nghiệp lớn tới ngày 30/12/2025 và doanh nghiệp nhỏ tới ngày 30/6/2026. Sau thời điểm này, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cao su, gỗ… vào EU không đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sẽ bị loại khỏi thị trường quan trọng này.
Lo lắng trước quy định này, ông Thái Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), cho biết việc đáp ứng EUDR sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về EUDR, trên vùng trồng diện tích lớn hơn cần phải xây dựng bản đồ số, truy xuất nguồn gốc đến từng nông hộ.
Trước tình trạng số lượng doanh nghiệp đáp ứng quy định về EUDR vẫn còn ít, trong khi châu Âu là thị trường quan trọng nhất của ngành cà phê, mới đây Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai thí điểm hệ thống dữ liệu vùng trồng cà phê tại 4 huyện, gồm: Krông Năng, Cư M’gar, Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) và Di Linh (Lâm Đồng). Đến nay, 100% diện tích cà phê tại các địa phương này đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu vùng trồng và rừng. Đây là cơ sở giúp ngành cà phê duy trì xuất khẩu sang EU và tạo nền tảng minh bạch cho phát triển bền vững trong thời gian tới.
CHUYỂN ĐỔI ĐỂ NGÀNH CÀ PHÊ ĐI VÀO CHIỀU SÂU
Trở lại với câu chuyện giá cà phê, Vicofa cho rằng các yếu tố thúc đẩy giá cà phê liên tiếp tăng mạnh trong thời gian qua đều mang tính khách quan, nhưng thiếu bền vững. Những yếu tố này sẽ khó giúp giá cà phê duy trì mức cao trong nhiều năm. Do đó, để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, hướng đến kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai, cần tạo ra các yếu tố mang tính chủ động và dẫn dắt hơn.
“Về lâu dài, phát triển ngành cà phê Việt cần tuân thủ định hướng của Nhà nước, đó là duy trì diện tích cà phê cả nước khoảng 640.000 – 660.000 ha; sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê cả nước”.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cà phê Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, dẫn đến giá trị chưa tương xứng với tiềm năng.
“Để giải quyết vấn đề này, ngành cà phê cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, phát triển các dòng cà phê đặc sản và phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn”, ông Hải đề xuất. Đồng thời, ông Hải cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào marketing và xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, nhằm khẳng định vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo ông Hải, giá cà phê đang cao chính là một lợi thế quan trọng cần tận dụng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ xuất khẩu thô sang các dòng cà phê đã qua chế biến. Tập trung phát triển ngành cà phê Việt Nam đi vào chiều sâu, gắn với ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Cùng với đó, lợi nhuận cần được phân bổ đồng đều giữa các đối tượng tham gia trong toàn chuỗi…
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2025 phát hành ngày 31/3/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308
