Các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); cho vay ngang hàng (P2P Lending). Trong đó, giải pháp cho vay ngang hàng (Peer to peer Lending hay P2P Lending) là giải pháp cho vay bằng đồng Việt Nam trên nền tảng số được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính do công ty cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm cung cấp để kết nối bên đi vay với bên cho vay. Công ty cho vay ngang hàng là công ty Fintech cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng ra thị trường.
Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Công ty cho vay ngang hàng được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí và các điều kiện. Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng; không đồng thời là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ, biêu, phường hoặc đang là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong quá trình thử nghiệm, tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm có trách nhiệm ban hành và cung cấp cho khách hàng hướng dẫn khuyến cáo rủi ro khi tham gia sử dụng giải pháp Fintech trong thời gian thử nghiệm. Tiền của khách hàng được sử dụng theo thỏa thuận giữa công ty cho vay ngang hàng và khách hàng khi thực hiện giải pháp cho vay ngang hàng, phù hợp với quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.