Sự ra đời của ứng dụng chatbot AI – ChatGPT là một bằng chứng sinh động cho thấy AI đã đi vào cuộc sống chứ không còn “quanh quẩn” trong các phòng nghiên cứu. AI đang chuyển dần từ ngành khoa học sang ngành công nghệ ứng dụng và có những sản phẩm thị trường.
Tại VN, xu hướng này cũng đang phát triển mạnh với nhiều giải pháp và ứng dụng cụ thể. Chẳng hạn, đầu tháng 2 vừa qua, VinBrain (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã vượt qua 2 đại diện tới từ Singapore và Thái Lan, xuất sắc giành giải Vàng hạng mục Sáng tạo số với sản phẩm “DrAid™ CT Ung thư gan” tại ASEAN Digital Awards 2023. Đây là giải thưởng uy tín của Hiệp hội Kỹ thuật số Đông Nam Á. Trên quy mô toàn cầu, các sản phẩm ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan từ ảnh CT đa thì như giải pháp đến từ VinBrain là rất hiếm. Bởi giải pháp này đòi hỏi cao cả về công nghệ lẫn trình độ kỹ thuật, kiến thức y khoa chuyên môn. Việc VinBrain giành được giải Vàng hạng mục Sáng tạo kỹ thuật số là một sự cổ vũ việc ứng dụng công nghệ AI trong việc khám chữa bệnh và chuyển đổi số y tế.
Nhưng không chỉ có VinBrain, việc nghiên cứu, ứng dụng AI trong các sản phẩm, giải pháp của doanh nghiệp (DN) Việt đã diễn ra ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn, VinAI (Tập đoàn Vingroup) đã và đang ứng dụng AI trong lĩnh vực di chuyển thông minh (Smart Mobility) và giải pháp an ninh, an toàn cho các khu đô thị thông minh (Smart Edge). Đây là các sản phẩm AI do người Việt làm chủ, có tính ứng dụng cao, song hành cùng xu thế mới của thế giới… Smart Mobility và Smart Edge là hai lĩnh vực mà VinAI đang ứng dụng AI để tạo các sản phẩm phục vụ một tương lai thông minh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.
Thực tế từ năm 2013, khi AI còn là khái niệm rất mới ở VN, Tập đoàn FPT đã tiên phong đầu tư cả 100 tỉ đồng cho nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ này. Khi đó, FPT đã đưa giải pháp ứng dụng AI đầu tiên cho chính phủ điện tử khi cùng với các thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý giao thông, xây dựng bản đồ thời gian thực, giải pháp camera và điều khiển đèn tín hiệu, điều tiết lưu lượng giao thông.
Trong và sau đại dịch Covid-19, giải pháp hệ thống trợ lý AI của FPT đã vào cuộc để hỗ trợ tổng đài khảo sát sức khỏe, hỏi đáp thông minh, đến trợ lý ảo tổng đài 1022 giải phóng đến 25% thời gian của nhân viên. Trong sản xuất, FPT đã phát triển robot vận chuyển hàng tự động, các giải pháp kiểm tra trực quan chất lượng sản phẩm với độ chính xác lên đến 98% trong nhà máy của một trong những hãng sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới…
Đến năm 2017, nền tảng AI toàn diện đầu tiên ở VN – FPT.AI – được ra mắt và đến nay đã hình thành hệ sinh thái với 20 sản phẩm, giải pháp, phục vụ 20 triệu người dùng cuối và 600 triệu lượt sử dụng/năm. Hơn 100 DN tại 15 quốc gia đang sử dụng sản phẩm, giải pháp AI do FPT cung cấp. Riêng tại thị trường VN, FPT.AI được ứng dụng tại hơn 20 ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm hàng đầu… Mới đây, FPT.AI vừa được tổ chức quốc tế Software Review vinh danh Top 1 Trợ lý ảo AI xuất sắc năm 2023 (Virtual Assistants Software Awards 2023). “Gần đây nhất, chúng tôi ghi nhận hợp đồng trọn gói AI đầu tiên trị giá hàng triệu USD với khách hàng là nhà cung cấp các sản phẩm và vật liệu kết cấu xây dựng nhà ở hàng đầu của Mỹ. Hợp đồng này đã chứng minh được năng lực AI cũng như trình độ của các chuyên gia công nghệ FPT trong lĩnh vực này. Trong năm nay, chúng tôi sẽ đầu tư thêm hàng trăm tỉ đồng nghiên cứu ứng dụng AI để nâng cao năng suất lao động của đội ngũ nhân viên FPT trên toàn cầu, với tiềm năng tăng từ 10-20%. Chúng tôi đặt mục tiêu bứt phá dẫn đầu về AI, đưa VN trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới”, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, chia sẻ thêm.
Khá nhiều DN cũng đã đầu tư nghiên cứu và ứng dụng AI như Viettel, VNPT, MobiFone, VNG, Zalo… và rất nhiều đơn vị đã sử dụng các sản phẩm của những đơn vị này.
Cuối tháng 2, tạp chí Forbes (Mỹ) đã có bài viết về triển vọng phát triển lĩnh vực AI của VN. Forbes bình luận: VN có những kế hoạch đầy tham vọng để dẫn đầu về AI và hy vọng sẽ nằm trong 4 quốc gia hàng đầu ở châu Á về tiến bộ AI. Tạp chí này dẫn nguồn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế tại Canada và Oxford của Anh xếp VN ở vị trí thứ 6 trong ASEAN và thứ 62 trên thế giới về Chỉ số sẵn sàng cho AI của Chính phủ năm 2021. Đây là lần đầu tiên Điểm sẵn sàng cho AI của VN đạt 51,82/100, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72 và giúp VN tăng 14 bậc so với năm trước.
“Chính phủ VN đã và đang đầu tư mạnh vào AI và các công nghệ kỹ thuật số khác, chẳng hạn như học máy, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây. Mới đây, VN đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình này đang đặt nền tảng chiến lược vững chắc để VN trở thành quốc gia đổi mới mạnh mẽ về AI trong những năm tới”, tạp chí Forbes đánh giá.
Trước đó, hồi tháng 10.2023, TS Andrew Ng, nhà khoa học nằm trong top 100 chuyên gia về AI của thế giới, chia sẻ tại Diễn đàn công nghệ quốc tế FPT (FPT Techday) rằng ông hết sức lạc quan về tương lai của VN nói chung và tương lai của AI tại VN nói riêng.
Theo TS Andrew Ng, VN là điểm đến đầu tư AI rất tiềm năng. Trong đó, hệ thống giáo dục là một điểm mạnh của VN. Xu thế chuyển dịch nhân khẩu học hiện nay giúp VN trở thành điểm đến đầu tư trí tuệ hấp dẫn trên nhiều lĩnh vực. Thị trường AI có đủ cơ hội cho tất cả mọi người, từ những DN tên tuổi cho đến cả các startup. Các ứng dụng AI chắc chắn sẽ còn thành công và phổ biến hơn nữa, đem đến nhiều nguồn thu hơn cho các DN trong tương lai. Chính vì vậy, tương lai của sự phát triển AI tại VN sẽ hết sức rộng mở.
TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, khẳng định: Cơ hội của lĩnh vực AI rất lớn bởi CNTT là hạ tầng nền tảng cho tất cả lĩnh vực, đặc biệt là trong thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy chính phủ số, công dân số và xã hội số. Từ trước đến nay, có nhiều lĩnh vực VN cũng không thua kém thế giới mà thậm chí còn đi trước. Chẳng hạn, hạ tầng internet của VN đứng đầu trong khu vực và hơn nhiều nước phát triển khi chi phí rẻ nhưng tốc độ cao hơn.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 13.000 tỉ USD cho nền kinh tế hay 1,2% GDP toàn cầu. Với các chính sách lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) AI và phát triển các ứng dụng liên quan, VN được đánh giá đã sẵn sàng thực hiện một số bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.
PGS-TS Trần Minh Quang, trưởng bộ môn hệ thống thông tin – Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận xét AI đang trở thành một xu hướng lớn trong khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Một nghiên cứu gần đây cho thấy bên cạnh các nước phát triển, các nước đang phát triển cũng bắt đầu có những định hướng và đầu tư nhất định cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Ví dụ, chi phí đầu tư vào AI tính theo đầu người tại các nước ở khu vực Đông Nam Á cũng đang tăng lên như ở Thái Lan là 0,4 USD/người/năm; Malaysia và Indonesia khoảng 0,2 USD/người/năm. Tuy nhiên, con số này ở VN vẫn còn khá khiêm tốn – chưa bằng 1/10 so với Thái Lan. VN đi sau, xuất phát chậm hơn nhưng đây là thời điểm chúng ta có nhiều động lực để phát triển AI, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, định hướng rõ ràng từ Chính phủ… nên cần có sự đầu tư phù hợp.
Khẳng định thập niên tới sẽ là giai đoạn bùng nổ của lĩnh vực này, theo PGS-TS Trần Minh Quang, VN đã bước đầu ứng dụng AI thành công trong một số lĩnh vực như giao thông, y tế. Cụ thể, cảnh báo ùn tắc giao thông dựa vào dữ liệu cộng đồng, theo dõi và giám sát giao thông, xử phạt vi phạm giao thông, chẩn đoán bệnh bằng công nghệ phân tích hình ảnh, quan trắc… Tuy vậy, so các nước phát triển, VN chưa thể sánh được về nguồn lực đầu tư với các chiến lược phát triển AI được xây dựng từ rất sớm, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và sản phẩm chuyển giao. “Khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI là nguồn lực con người, chi phí đầu tư hạ tầng – chi phí đầu tư ban đầu là rất lớn. Do đó liên kết các thành phần trong xã hội nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển AI là rất quan trọng. Về đào tạo, hiện tại có khá nhiều trường đào tạo ngành, chuyên ngành liên quan AI, tùy theo cách các trường tiếp cận. Tuy nhiên, một góc nhìn khác, việc đào tạo mang tính chính thống tại các trường ĐH nói chung không đáp ứng đủ cho nhu cầu xã hội do những giới hạn nhất định về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Chẳng hạn, mỗi năm Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính chỉ tuyển sinh từ 800 – 1.000 sinh viên cho hai ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính, trong đó AI và khoa học kỹ thuật dữ liệu là các chuyên ngành liên quan AI và thuộc về ngành khoa học máy tính. Việc đào tạo một kỹ sư AI bài bản cần nhiều thời gian, trong khi đó rất nhiều công việc tại các DN chỉ yêu cầu ở mức độ hiểu biết và vận dụng AI trong một số hoạt động cụ thể. Do vậy, để nâng cao năng lực đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, cần có sự tham gia của DN và xã hội vào quá trình đào tạo này – ví dụ đào tạo kỹ năng sử dụng AI…”, ông Quang nói.
Ông cũng nhấn mạnh vì AI là cơ hội lớn cho VN trong thập niên tới nên cần đẩy mạnh các giải pháp AI thiết thực để giải quyết bài toán kinh tế là quan trọng. Song song phát triển nguồn lực từ các trường đại học, cần có sự đào tạo từ phía DN.
Còn theo TS Đặng Minh Tuấn, để phát triển ngành AI tại VN nhanh hơn, ngoài chiến lược quốc gia cần có hành lang pháp lý cho DN hoạt động. Nếu không đủ cơ sở pháp lý thì DN sẽ lo sợ, không yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực mới, công nghệ mới như AI. Thậm chí, nhà nước phải nghiên cứu có thêm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ như bắt buộc sử dụng sản phẩm do DN Việt phát triển hoặc có chính sách thuế để khuyến khích đầu tư tư nhân. Bởi nếu so với các tập đoàn nước ngoài khi không đặt văn phòng ở VN nhưng vẫn thu phí được của người dùng trong nước thì các DN trong nước chịu thiệt thòi hơn khi đóng đủ thuế, phí như các ngành khác. Hoặc có thể nghiên cứu đưa ra chính sách thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực AI.